Cho dù, chủ kinh doanh những khách sạn bị đóng cửa có nhân danh khó khăn, lỗ lãi này nọ thì họ cũng phải hiểu rằng, an toàn tính mạng con người không thể là chuyện để cò cưa. Chúng ta còn nhớ không, 13 người chết trong vụ cháy quán karaoke ở Q.Cầu Giấy (Hà Nội) năm rồi? Câu chuyện vẫn còn găm vào ký ức xã hội một nỗi đau không nguôi vì an nguy tính mạng con người chưa được xem trọng trong văn hóa kinh doanh ở đất nước mình.
Chẳng có gì để biện minh cho việc chủ kinh doanh đưa một tòa nhà cao tầng vào hoạt động để kiếm lời nhưng lại sẵn sàng bỏ qua các yêu cầu về an ninh, an toàn, nhất là về an toàn cháy nổ có liên quan đến tính mạng của cả trăm, cả ngàn con người.
Chúng ta đã nhắc với nhau không ít lần về những điều chúng ta nên học và thực hành nghiêm túc về kinh doanh an toàn. Chẳng hạn các nhà hàng cần phải niêm yết công khai sức chứa tối đa như cách làm ở nước ngoài để tránh tình trạng đáng tiếc khi có sự cố. Rằng chỉ dẫn về thoát hiểm trong những tòa nhà công cộng cần được thực hiện đầy đủ để người đến đó luôn có cơ hội thoát thân khi khẩn cấp. Cả là chủ động hướng dẫn thoát hiểm ngay từ đầu cho khách đến tòa nhà tham dự sự kiện. Bạn có từng cảm thấy lo lắng vì đến dự tiệc ở một nhà hàng cưới đông người mà không nhìn thấy lối thoát hiểm chưa?
Nhưng dường như những lời nhắc nhở là không thể đủ để các chủ kinh doanh tự giác chấp hành, như một phần giá trị hiển nhiên trong văn hóa kinh doanh. Vậy thì không còn có cách nào khác, xã hội cần chế tài nghiêm minh của luật pháp để điều chỉnh. Chính quyền phải giúp giới chủ kinh doanh đạt được thêm một giá trị quan trọng trong văn hóa kinh doanh, đó là ý thức thường trực về sự an toàn của khách hàng, và của chính họ. Kinh doanh an toàn là một giá trị cần có trong sự bền vững của kinh doanh.
Nhưng rồi cũng nên đặt thêm một câu hỏi kiên quyết hơn nữa từ những chuyện xử lý mạnh tay như đóng cửa khách sạn, cấm kinh doanh nếu không đảm bảo an toàn PCCC. Rằng tại sao những tòa nhà không đạt tiêu chuẩn về an toàn PCCC như thế lại được dễ dàng cho hoạt động, thậm chí khai trương, có nơi đưa cả ngàn người vào ở? Để rồi sau đó phải kiểm tra tới kiểm tra lui, phạt đi phạt lại nhiều lần mà không dễ khắc phục. Câu hỏi hơn cả một sự chất vấn về trách nhiệm. Đó là câu hỏi của lương tâm.
Vậy nên đừng chỉ đóng cửa khách sạn vi phạm PCCC. Phải điểm mặt những kẻ đã tiếp tay. Không chỉ ở Khánh Hòa mà còn ở nhiều TP lớn khác nữa.
Bình luận (0)