Kinh doanh xăng dầu theo quy trình rút gọn

11/03/2022 06:36 GMT+7

Nguồn tin của Thanh Niên cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vừa có chỉ đạo yêu cầu Vụ Thị trường trong nước nghiên cứu sửa đổi các nghị định liên quan đến kinh doanh xăng dầu , trong đó đáng chú ý nhất là Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu vừa có hiệu lực từ đầu năm 2022.

Theo đó, trong một văn bản vừa ký gửi Vụ Thị trường trong nước và Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, giao cho Vụ Thị trường trong nước quản lý, theo dõi sát diễn biến thị trường, thường xuyên cập nhật, báo cáo Bộ trưởng và sửa đổi bổ sung các nghị định liên quan đến kinh doanh xăng dầu, kinh doanh khí và sở giao dịch hàng hóa. “Việc sửa đổi Nghị định 83, 95 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự thủ tục rút gọn và trình Chính phủ trong tháng 6.2022. Tại chỉ đạo nói trên, Bộ trưởng Công thương cho biết mục tiêu là “để nâng cao hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đồng thời giải quyết một số bất cập xảy ra trong thời gian vừa qua”.

Cây xăng tại một trạm xăng dầu trên đường Kinh Dương Vương thông báo hết xăng, sáng 10.3

Chí Nhân

Trao đổi với Thanh Niên, không ít cán bộ quản lý trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu lẫn chuyên gia đều tỏ ra rất bất ngờ, dù văn bản đã ký 2 ngày trước đó. Ông Phạm Đức Thắng nói “không hiểu sửa điều nào” nên không thể bình luận. Còn chuyên gia Ngô Trí Long, người được Chính phủ mời góp ý và phản biện khi sửa Nghị định 83 thành Nghị định 95, kể trong suốt quá trình, nhiều vấn đề được lật đi lật lại rất kỹ và đi đến đồng thuận cao, chỉ có quy định bán 35% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài là đến phút cuối còn lấn cấn thì nghị định đã quy định là báo cáo Thủ tướng. “Cho nên tôi cũng không hiểu sẽ sửa cái gì. Có lẽ chỉ phỏng đoán là việc rút ngắn chu kỳ điều hành sẽ được quan tâm, để nhằm tiến tới sát giá thị trường hơn và thực tế các lần sửa nghị định về xăng dầu gần nhất thì chu kỳ lần lượt được rút ngắn xuống 30, 15 ngày và giờ đây là 10 ngày”, ông Long nói.

Giá xăng đánh thẳng vào túi tiền tài xế: Grab thông báo tăng giá cước

Một chuyên gia từng có hơn 1 thập kỷ trực tiếp phụ trách điều hành xăng dầu thì cho rằng nên bỏ loại hình thương nhân phân phối bởi loại hình này không phải là dạng đầu mối phát nguồn hàng hóa, do đó nếu bỏ được thì sẽ giảm được một khâu trung gian, đồng thời tránh được tình trạng khi thiếu nguồn cung như vừa qua loại hình này chỉ đi mua từ đầu mối và bán lại cho đại lý. Trong khi nếu nguồn cung khó như hiện nay thì DN đầu mối phải ưu tiên đảm bảo hàng cho hệ thống của mình đã là khó, như trường hợp của Petrolimex hay PVOil.

Trong khi đó, một vấn đề được quan tâm hiện nay là chi phí kinh doanh định mức - một trong những lý do mà các đại lý viện dẫn là quá thấp để ngừng bán hàng. Chia sẻ với Thanh Niên hôm qua, chị Thanh Vân, một đại lý tư nhân phân phối xăng tại Q.3 (TP.HCM), cho biết có nhiều nguyên nhân khiến các cây xăng thời gian qua thường xuyên đóng cửa hoặc bán nhỏ giọt. Không phải chỉ do thiếu nguồn cung hay để găm hàng, chờ giá xăng lên bán giá cao mà chủ yếu do kinh doanh không hiệu quả, càng bán càng lỗ. Cụ thể, khoảng hơn nửa năm trở lại đây, hầu hết các đầu mối giảm mức chiết khấu (hoa hồng) cho các đại lý xuống mức rất thấp, chỉ 170 đồng/lít xăng/dầu tùy loại, thậm chí có những ngày xuống chỉ khoảng 70 đồng. Trong khi đó, DN phải hưởng mức hoa hồng khoảng 800 đồng/lít mới đủ bù chi phí vận chuyển, tiền điện, nước, nhân viên… Theo chị Vân, sau đại dịch, nhân viên nghỉ nhiều, các cây xăng phải tăng lương để duy trì nhân sự. Chưa kể, giá xăng dầu càng tăng, chi phí vận chuyển, chuyên chở càng lớn. Những người nào đi thuê còn phải mất thêm chi phí mặt bằng. Tính ra, những cây xăng đàng hoàng, muốn giữ cả chất lượng và số lượng, không gian lận cho khách thì phải chịu lỗ trung bình 500 đồng/lít.

“Bán lít nào lỗ lít đó như vậy nhưng họ sợ đóng cửa bị rút giấy phép nên cũng phải cố bán cầm chừng. Mà không phải cây xăng đại lý muốn nhập bao nhiêu có bấy nhiêu vì những đầu mối ở trên còn phụ thuộc nhiều nguồn khác và trong trường hợp thiếu nguồn cung thì họ sẽ ưu tiên những đại lý quen. Với những đại lý nhỏ, giá xăng lên hoài không đủ tiền mua, mua cũng không có hàng, có hàng thì càng bán càng lỗ… Khổ đủ đường”, chị Vân thở dài.

Theo Bộ Tài chính, khoản này cho xăng RON 95, E5 RON92 lần lượt là 1.050 đồng/lít và 1.250 đồng/lít; đối với các mặt hàng dầu diesel 0,05s, dầu hỏa, dầu mazút lần lượt là 1.000 đồng/lít; 950 đồng/lít và 561 đồng/lít. Để có thể đánh giá, xem xét việc điều chỉnh chi phí định mức giảm giá xăng, Bộ Tài chính cho rằng cần phải dựa trên báo cáo chuyên đề chi phí kinh doanh được kiểm toán gửi về Bộ Tài chính (kỳ báo cáo chậm nhất 31.3 hằng năm).

Tại sao Việt Nam không có lợi thế về giá xăng dầu?

“Hiện nay, với xu hướng giá thế giới tăng cao, thì việc tăng chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở sẽ tác động thêm làm tăng giá xăng dầu trong nước và qua đó tác động đến người tiêu dùng. Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) đã có Công văn số 95/QLG-TLSX đề nghị các thương nhân đầu mối báo cáo chi phí kinh doanh theo quy định (gửi về trước 31.3.2022); trên cơ sở đó sẽ tổng hợp, rà soát và đánh giá”, lãnh đạo một cục chức năng của Bộ Tài chính cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.