10 công ty dầu khí lớn nhất thế giới

24/06/2017 15:03 GMT+7

Dầu khí là ngành công nghiệp có thể thu về lợi nhuận khổng lồ, đặc biệt khi nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu này tại các quốc gia toàn cầu vẫn không ngừng tăng lên.

Kể từ đầu thế kỷ 20, cùng với nhu cầu dầu khí lớn mạnh trên thế giới, nhiều công ty chuyên về lĩnh vực này đã lần lượt ra đời. Bên cạnh những công ty hoạt động thuận lợi, cũng có một số công ty buộc phải tách ra vì các luật chống độc quyền, hoặc bị các công ty lớn hơn mua lại. Tuy nhiên, dù lịch sử thành lập và phát triển theo cách nào, thì những công ty dầu khí vẫn luôn dẫn đầu về doanh thu so với các ngành công nghiệp khác.
Dưới đây là những công ty dầu khí lớn nhất thế giới hiện nay, theo tổng hợp từ trang Trending Top Most.
1. Saudi Aramco
Không chỉ có sản lượng dầu sản xuất mỗi ngày dẫn đầu các công ty dầu khí toàn cầu với doanh thu trên 1 tỉ USD/ngày, Saudi Aramco còn được biết đến vì có kho trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới. Lịch sử của Saudi Aramco bắt nguồn từ những năm 1930 khi chính phủ Ả Rập Xê Út trao quyền thăm dò dầu mỏ cho một công ty Mỹ có tên Standard Oil of California. Sau nhiều lần tìm dầu thất bại, Arabian-American Oil Company (Aramco) cũng đã được thành lập trước năm 1944. Tuy nhiên, sự kiểm soát công ty lúc này vẫn chưa hoàn toàn thuộc về chính phủ quốc gia vùng Vịnh. Mãi cho đến năm những năm 1980, Ả Rập Xê Út mới nắm quyền toàn bộ công ty, đồng thời đổi tên thành Saudi Aramco. Hiện tại công ty có trụ sở tại Dhahran và hoạt động đa dạng ở các lĩnh vực khai thác, sản xuất, lọc dầu, hóa chất, phân phối dầu khí.
2. Gazprom
Được thành lập vào năm 1989, phần lớn công ty thuộc quyền sở hữu của nhà nước Nga trong khi một phần nhỏ thuộc về tư nhân. Vào những năm 1990, Gazprom đã có sự tăng trưởng đáng kể phần lớn nhờ vào việc chủ tịch công ty lúc đó được bổ nhiệm làm Thủ tướng Nga. Với doanh thu hằng năm vào khoảng 150 tỉ USD, Gazprom là nhà cung cấp khí tự nhiên lớn cho châu Âu, đồng thời còn có vai trò đòn bẩy tài chính cũng như chính trị đáng kể ở khu vực này.
3. Công ty Dầu Quốc gia Iran (NIOC)
NIOC có nguồn gốc từ đầu thế kỷ 20 khi người Anh cùng với Anglo - Persian Oil Company đã phát hiện và khai thác thành công dầu tại Iran. Tuy nhiên, sự nổi lên của những người theo chủ nghĩa quốc gia của Iran vào năm 1948 đã dẫn tới việc giành quyền kiểm soát và chính thức thành lập NIOC. Hiện NIOC là công ty độc quyền thăm dò, khai thác, vận chuyển, xuất khẩu dầu thô, khí tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dưới sự điều hành của Chủ tịch Bijan Namdar Zanganeh.
4. ExxonMobil
Logo biểu tượng của ExxonMobil Ảnh: Reuters
ExxonMobil là công ty dầu khí đa quốc gia của Mỹ có trụ sở tại Irving, bang Texas. Tiền thân của ExxonMobil là công ty Standard Oil của tỉ phú John D. Rockefeller. Vào năm 1911, vì luật chống độc quyền Rockefeller đã buộc phải tách Standard Oil ra thành hai công ty là Standard Oil New Jersey và Standard Oil of New York. Trong những năm sau đó hai công ty này đã đổi thành Exxon và Mobil. Năm 1999, Exxon và Mobil chính thức sáp nhập để tạo thành công ty dầu khí lớn nhất thế giới vào thời điểm đó.
5. PetroChina
PetroChina được thành lập vào năm 1999 và là công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc do nhà nước kiểm soát. Trong kế hoạch phát triển toàn cầu, PetroChina không chỉ tham gia vào thị trường châu Phi, mà còn ký một hợp đồng về khí đốt tự nhiên trị giá 50 tỉ USD với Úc, đồng thời chi hơn 5 tỉ USD để có một phần nhỏ trong việc phát triển khí đốt ở Canada. PetroChina được dự đoán sẽ có khả năng vươn lên mạnh mẽ để trở thành tên tuổi lớn nhất của ngành dầu khí trong những năm tới.
6. British Petroleum (BP)
Kể từ khi bắt đầu được thành lập vào năm 1909 cho đến nay, BP đã không ngừng mở rộng hoạt động của mình từ Trung Đông sang Alaska và biển Bắc. Có những giai đoạn BP từng là công ty dầu khí lớn thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, sau vụ tràn dầu vào năm 2010, công ty dầu khí có trụ sở tại London đã phải bán một số tài sản để trả 4,5 tỉ USD tiền phạt và một số lệ phí pháp lý khác.
Logo hình vỏ sò với hai màu đỏ, vàng của Shell đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng toàn cầu Ảnh: Reuters
7. Royal Dutch Shell
Royal Dutch Shell hay gọi tắt là Shell được thành lập vào năm 1907 thông qua việc sáp nhập của Royal Dutch Petroleum (Hà Lan) và Shell Transport & Trading (Anh). Logo hình vỏ sò với hai màu đỏ - vàng của Shell là một trong những biểu tượng thương mại quen thuộc nhất đối với người tiêu dùng toàn cầu. Và cũng giống như các công ty dầu khí khác, Shell bắt đầu đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình bằng cách tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Ngoài ra, công ty cũng đầu tư nhiều vào công nghệ hydro.
8. Petroleos Mexicanos (Pemex)
Sau nhiều thập kỷ căng thẳng giữa chính phủ và các công ty dầu mỏ nước ngoài, vào năm 1938, Tổng thống Mexico lúc đó là Lázaro Cásdenas đã loại bỏ mọi quyền lợi khai thác dầu mỏ của các công ty nước ngoài và quốc hữu hóa ngành dầu khí bằng cách thành lập Pemex. Ngày nay, Pemex cung cấp cho chính phủ Mexico khoảng một phần ba tổng doanh thu thông qua thuế.
9. Chevron
Tập đoàn năng lượng đa quốc gia của Mỹ đã có mặt tại hơn 180 quốc gia trên thế giới. Chervon hoạt động trên mọi lĩnh vực liên quan đến ngành công nghiệp dầu mỏ, khí đốt và năng lượng điện nhiệt. Sau khi mua lại Atlas Petroleum với giá 4,3 tỉ USD vào năm 2010, Chervon lại tiếp tục mở rộng sự lớn mạnh của mình bằng cách mua thêm Texaco vào năm 2011.
10. Tập đoàn Dầu khí Kuwait (KPO)
BP và Chevron đã thành lập Công ty Dầu Kuwait (KOC) vào năm 1934 để thăm dò và phát triển tiềm năng sản xuất dầu mỏ của Kuwait. Tuy nhiên, sau hơn 40 năm hoạt động, chính phủ Kuwait đã tiếp quản KOC vào năm 1975. Đến năm 1980, chính phủ nước này đã làm chủ hoàn toàn và điều hành công ty dưới tên mới KPO. Ngày nay KPO vẫn không ngừng mở rộng khả năng sản xuất để duy trì sức cạnh tranh với các công ty dầu khí khác trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.