Ai là người cùng Chủ tịch Tập Cận Bình điều hành kinh tế Trung Quốc?

22/08/2015 08:19 GMT+7

(TNO) Sát cánh cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc điều hành nền kinh tế là 6 quan chức ưu tú. Họ là những thành viên nội các quan trọng, cùng lãnh đạo Trung Quốc ra các quyết sách về cải cách và tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

(TNO) Sát cánh cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc điều hành nền kinh tế là 6 quan chức ưu tú. Họ là những thành viên nội các quan trọng, cùng lãnh đạo Trung Quốc ra các quyết sách về cải cách và tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters
Tất cả lãnh đạo Trung Quốc trước đây đều giao phó những khoản nhỏ nhặt trong chính sách kinh tế cho các quan chức dưới quyền. Song Chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình lại không làm như thế.
Kể từ khi nhận chức Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11.2012, Chủ tịch Tập Cận Bình trực tiếp nắm quyền điều hành cả chính sách tài chính ngắn hạn và kế hoạch kinh tế dài hạn. Ông Tập thực hiện điều này cùng với hai “nhóm lãnh đạo” bí mật: một nhóm cải cách kinh tế do chính ông chọn lọc và một ủy ban tài chính khác mà gần đây là do các quan chức dưới quyền ông dẫn đầu.
Dưới đây là 6 quan chức sát cánh cùng các quyết sách về cải cách và tăng trưởng kinh tế của Chủ tịch Tập, theo Bloomberg. Hiện không ai rõ có bao nhiêu phần trong chương trình nghị sự kinh tế của Trung Quốc là do ông Tập quyết định, và bao nhiêu nội dung là thuộc quyền kiểm soát của những nhân vật này.
Thủ tướng Lý Khắc Cường
Ảnh: Reuters
Ông Lý Khắc Cường, 60 tuổi, là nhân vật đứng thứ nhì trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc. Với tấm bằng tiến sĩ kinh tế, ông Lý từng được cho là được định sẵn để trở thành vị kiến trúc sư cho nền kinh tế Đại lục.
Song theo Bloomberg, hiện không rõ về vai trò của ông Lý và quyền hạn của ông đằng sau các quyết sách kinh tế của Đại lục. Ngoài ra, cũng không ai biết cụ thể về khoảng cách giữa tầm nhìn của Chủ tịch Tập và Thủ tướng Lý. Song với tư cách là người đứng đầu Quốc vụ viện, ông vẫn là người ủng hộ công khai chính cho các thay đổi trong chính sách của chính phủ.
Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Kỳ Sơn
Ảnh: Bloomberg
Bí thư Vương Kỳ Sơn của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc là nhân vật thứ nhì được nhắc đến.
Trong thời gian công tác tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, ông từng làm việc với ngân hàng Morgan Stanley để thành lập China International Capital, ngân hàng đầu tư đầu tiên của Đại lục, và xây dựng mối quan hệ với các lãnh đạo tài chính phương Tây.
Ông Vương năm nay 67 tuổi, là một trong những quan chức thân cận nhất với Chủ tịch Tập Cận Bình. Cả hai gặp nhau từ thời Cách mạng Văn hóa của cựu Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, khi vẫn còn là hai thanh niên được cử đến vùng quê để học cách sống ở nông thôn.
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên
Ảnh: Bloomberg
Đứng đầu Ngân hàng trung ương Trung Quốc hay Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) là Thống đốc Chu Tiểu Xuyên, 67 tuổi.
Tương tự như khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tái bổ nhiệm ông Ben Bernanke làm Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ, Chủ tịch Tập ưu tiên sự ổn định trong quyết định lựa chọn nhân sự của mình và để ông Chu giữ chức Thống đốc PBOC dù ông đã qua độ tuổi nghỉ hưu.
Đảm nhiệm vị trí Thống đốc PBOC kể từ tháng 12.2002, ông Chu đã đi qua thời đoạn mà kinh tế Trung Quốc phát triển hơn gấp 5 lần. Đến nay, ông là nhân vật lão làng nhất trong vòng tròn quyết định chính sách kinh tế Trung Quốc. Ở vị trí này, ông đã và đang ủng hộ việc giảm bớt kiểm soát đồng nhân dân tệ, thả nổi lãi suất và thiết lập nền tảng để bản tệ nước nhà ghi tên vào rổ tiền dự trữ quốc tế.
Giám đốc Văn phòng Trung ương Lãnh đạo các Vấn đề Tài chính và Kinh tế Trung Quốc Lưu Hạc
Ảnh: Bloomberg
Lưu Hạc là nhà kinh tế hàng đầu của Trung Quốc. Từ lâu, ông đã là một trong những người ủng hộ việc cải cách kinh tế Trung Quốc theo hướng thị trường. Nhà kinh tế 63 tuổi, tốt nghiệp Đại học Harvard này được chọn làm người định hướng cho kế hoạch đại tu kinh tế đất nước.
Đầu năm nay, ông Lưu nhận chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), có vai trò trung tâm trong các quyết định ngắn hạn và dài hạn về sự phát triển của Trung Quốc. Lưu Hạc là một trong số ít thành viên nội các đi cùng Chủ tịch Tập trong nhiều chuyến công du nước ngoài.
Bộ trưởng Tài chính Lâu Kế Vĩ
Ảnh: Bloomberg
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ, 64 tuổi, là quan chức đang ủng hộ kế hoạch về Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB). Khởi xướng AIIB là thành quả lớn nhất của Trung Quốc trong việc định hình lại các quy tắc tài chính toàn cầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc Từ Thiệu Sử
Ảnh: Bloomberg
Cũng như cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, ông Từ Thiệu Sử từng được đào tạo để trở thành nhà địa chất. Song hiện nay, ông giữ chức Chủ nhiệm NDRC.
Quan chức 63 tuổi này là một trong những người có vai trò trung tâm trong việc quản lý nền kinh tế Trung Quốc. NDRC thì giữ vai trò nòng cốt trong việc hoạch định các chính sách từ nông nghiệp đến năng lượng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.