ASEAN thiếu hụt hạ tầng mềm

04/11/2016 07:00 GMT+7

Đầu tư vào các công trình bổ trợ chưa được quan tâm đúng mức là tình trạng chung của các nước ASEAN , dù lĩnh vực này đem đến vô số cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo châu Á cần đến 8.000 tỉ USD để bù vào thiếu hụt trong phát triển cơ sở hạ tầng đến năm 2020, trong đó khu vực Đông Nam Á được cho là sẽ phát triển năng động và “nóng” chuyện đầu tư hạ tầng. Nhiều chuyên gia cảnh báo phát triển ồ ạt dễ dẫn đến tập trung nhiều vào hạ tầng cứng, như đường sá, cầu cảng... trong khi hạ tầng mềm chưa phát triển một cách tương xứng và đe dọa phát triển bền vững.
Khái niệm “hạ tầng mềm” được hiểu là các công trình bổ trợ, dịch vụ… Ví dụ như khi xây đường thì cần có trạm dừng nghỉ, trạm xăng, hệ thống chiếu sáng, thoát nước tốt… còn khu công nghiệp thì cần nhà ở cho công nhân, dịch vụ giao suất ăn, giặt ủi… Nếu thiếu các công trình này thì hạ tầng chính sẽ không hoạt động hiệu quả cao và ổn định. Vấn đề trên được nhiều chuyên gia rất quan tâm, khi tham dự một diễn đàn về ASEAN mới đây do Ngân hàng Bangkok tổ chức.
Cơ hội tại VN
Tờ Bangkok Post dẫn lời Giáo sư Aung Tun Thet, chuyên gia kinh tế và cố vấn cho Liên hiệp Các phòng thương mại - công nghiệp Myanmar, cho rằng cùng với phát triển hạ tầng cứng, khối CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và VN) hứa hẹn thu hút đầu tư hạ tầng mềm nhiều hơn các nước Đông Nam Á khác nhờ mở rộng thị trường, dân số trẻ, chịu khó và những thỏa thuận thương mại đang sắp hoàn tất. Trong số các tập đoàn lớn đầu tư vào thị trường CLMV có Tập đoàn năng lượng PTT của Thái Lan. Ông Tevin Vongvanich, Chủ tịch PTT, cho biết tập đoàn đã đầu tư vào các trạm xăng cùng với hoạt động thăm dò năng lượng tại Myanmar và VN. “CLMV là thị trường mà chúng tôi hiểu rõ thói quen tiêu dùng và có thể dự báo khả năng phát triển kinh doanh nhờ những kinh nghiệm của mình”, ông cho biết.
Nhiều chuyên gia cũng có cùng nhận định trội hơn về tiềm năng phát triển hạ tầng mềm trong khối ASEAN là nhóm CLMV, trong đó nổi bật nhất là VN. Ông Aswin Techajareonvikul, Chủ tịch Tập đoàn Berli Jucker của Thái Lan, cho rằng mảng bán lẻ hiện đại chỉ mới vươn tới 10% dân số VN so với 40% ở Thái Lan, có nghĩa VN là thị trường bán lẻ tiềm năng khổng lồ. Ông Vikrom Kromadit, Giám đốc điều hành của Tập đoàn phát triển khu công nghiệp Amata của Thái Lan, cũng cho biết VN là lựa chọn số 1 khi Amata có kế hoạch mở rộng thị trường và hấp dẫn hơn so với những thị trường tiềm năng khác mà công ty quan tâm như Trung Quốc, Myanmar và Ấn Độ. “Một điểm nổi trội của VN là có nhiều người làm việc siêng năng và thích làm thêm ngoài giờ. Người VN cũng ham học và thường đi học thêm ngoại ngữ sau giờ làm để tiến bộ hơn”, ông nhận xét. Ông Kromadit dự báo VN tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài sau khi đạt 11 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm nay, một con số vượt cả Thái Lan.
Thiếu liên kết
Theo ông Thomas Lembong, Chủ tịch Ủy ban Điều phối đầu tư Indonesia, việc đầu tư hạ tầng mềm rất quan trọng vì nó đem đến cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp liên kết các vùng tốt hơn, vì thế các nước nên có chính sách tạo môi trường thân thiện cho họ đầu tư vào phân khúc này. “Bên cạnh đó, chúng ta thường hay bị phân tâm bởi những con số tỉ đô la của hạ tầng cứng mà quên đi những đầu tư nhỏ vào hạ tầng bổ trợ cũng như các dịch vụ, mà theo tôi, đáng quan tâm nhiều hơn nếu muốn phát triển”, ông chia sẻ.
Ông Robert Yap, Chủ tịch điều hành chuỗi cung ứng và giao nhận YCH tại Singapore, cho rằng đầu tư vào việc kết nối là yếu tố căn cơ cho các nước ASEAN nhưng đã không đạt tiến độ như mong đợi. “Việc xem xét và giải quyết những vùng chưa kết nối trong khối ASEAN để mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên là điều thực sự quan trọng”, ông nói.
Trong khi đó, ông Stanley Kang, Chủ tịch Tổ chức Kết nối các phòng thương mại Thái Lan, cho rằng thích ứng với môi trường kỹ thuật số cũng nên được ưu tiên đầu tư, nhằm kết nối các nước trong khu vực. “Cần đào tạo rất nhiều người để thích ứng với công việc mới này nhằm phát triển công nghệ và ứng dụng riêng cho khu vực”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.