Bác sĩ gốc Việt bị lôi khỏi máy bay: CEO United Airlines sẽ bị đuổi việc?

12/04/2017 19:58 GMT+7

Khi bàn đến hoạt động quan hệ công chúng (PR) tồi tệ, thật khó mà không nhắc đến vụ một hành khách của United Airlines bị lôi kéo thô bạo xuống khỏi máy bay, hãng tin Bloomberg viết.

Vụ việc trên khiến CEO United Airlines Oscar Munoz phải đứng ra xin lỗi hai lần trên truyền hình cáp và các mạng xã hội thì ''dậy sóng'' những ngày qua. Theo Bloomberg, đây là một trong các thất bại PR lớn của giới doanh nghiệp Mỹ.
Song thất bại này không phải là bê bối PR đầu tiên của một hãng lớn. Theo PR Tales From Hell, ông Munoz lúc này có thể thoải mái nói rằng đây là chuyện từng xảy ra với nhiều giám đốc khác và trong nhiều trường hợp, các lãnh đạo doanh nghiệp không bị đuổi việc. Dưới đây là 5 trong số những sai lầm PR từng khiến doanh nghiệp điêu đứng. Trong số này, chỉ một trường hợp dẫn đến việc thay thế CEO, một trường hợp khác thì CEO từ chức nhưng quay lại với vị trí cao hơn.
Domino’s Pizza
Domino’s Pizza Ảnh: Reuters
Trong tuần lễ Phục sinh năm 2009, hai nhân viên cửa hàng Domino’s Pizza ở bang North Carolina (Mỹ) đăng tải một video lên Youtube cho thấy cảnh một trong hai người đưa miếng phô mát đặt lên mũi, giả vờ hắt hơi lên bánh sandwich của khách hàng. Video này cán mốc 1 triệu lượt xem. Ban quản lý Domino’s Pizza lập tức sa thải nhân viên, vệ sinh lại cửa hàng và quay video riêng với lời xin lỗi chính thức được gửi đến từ chính Chủ tịch hãng, ông Patrick Doyle.
Davia Temin, người đứng đầu hãng quản lý khủng hoảng Temin & Co. ở New York, cho hay phản ứng của Domino’s Pizza thể hiện rằng hãng cũng bị tổn thương và thực sự có hành động. CEO Domino’s Pizza khi đó là ông David Brandon vẫn giữ chức sau vụ bê bối và hiện vận hành Công ty Toys “R” Us.
Du thuyền Carnival Triumph
Hành khách xuống du thuyền Carnival Triumph Ảnh: Reuters
Năm 2013, một sự cố từng khiến du thuyền Carnival Triumph ''tê liệt'', 3.100 hành khách phải trôi dạt trên Vịnh Mexico trong cảnh hệ thống ống nước không hoạt động. Nước thải tràn ra sàn boong hành khách và khiến chiếc du thuyền có biệt danh là “Poop Cruise” hay “du thuyền phân”. Trong khi nhân viên hãng đang bàn cách đưa du thuyền trở về thì CEO Micky Arison theo dõi trận thi đấu của đội bóng rổ Miami Heat. Bốn tháng sau, Arison từ chức CEO, song ông vẫn là chủ tịch và vẫn là cổ đông lớn nhất trong doanh nghiệp do cha ông sáng lập.
KFC-Taco Bell
Một cửa hàng KFC-Taco Bell Ảnh: Reuters
Năm 2007, ống kính truyền hình bắt gặp hình ảnh chuột chạy quanh một cửa hàng KFC-Taco Bell. Công ty sở hữu thương hiệu KFC-Taco Bell là Yum Brands sau đó phải đóng cửa chi nhánh trên, cho hay đây chỉ là sự cố đơn lẻ và đổ lỗi cho hoạt động xây dựng đang diễn ra ở tầng hầm của tòa nhà. Dù vậy, tổng doanh thu tại các cửa hàng vẫn hạ 11% trong quý đầu tiên sau vụ bê bối. Hãng này sau đó phải đuổi việc sếp tiếp thị.
Uber Technologies
CEO Uber Travis Kalanick Ảnh: Reuters
CEO Uber Technologies Travis Kalanick bị buộc phải xin lỗi và hứa sẽ “trưởng thành hơn” sau khi hãng tin Bloomberg đăng tải video cho thấy ông hét lớn vào mặt người lái xe trong cuộc tranh cãi về chính sách giá vé của Uber. Kalanick hứa sẽ thuê COO (chief operating officer) mới để ông học hỏi, trong khi Uber thì cam kết phác thảo mục tiêu đa dạng hóa doanh nghiệp.
JetBlue Airways
Máy bay của JetBlue Airways Ảnh: Reuters
Ngày Lễ tình nhân năm 2007, một cơn bão đã khiến 130.000 hành khách của hãng JetBlue Airways bị mắc kẹt. Một vài người trong số này kẹt lại sân bay đến 10 tiếng. CEO JetBlue Airways David Neeleman phải liên tục xin lỗi và ba tháng sau, ông bị đuổi việc. Sếp mới thế chỗ ông được mô tả là người vận hành doanh nghiệp giỏi hơn.
Thất vọng về United Airlines
Đây không phải là lần đầu tiên United Airlines gặp trục trặc trong khâu chăm sóc khách hàng. Năm 2008, ca sĩ nhạc đồng quê Dave Carroll từng cho biết hãng bay này đã làm hỏng nhạc cụ của ông. Ông Carroll sau đó viết bài hát và sản xuất video có tên United Breaks Guitars để nói về vụ việc này. Video trên lan rộng, nhận được gần 17 triệu lượt xem.
United Airlines khi đó phải xin lỗi và xin ông Carroll cho phép sử dụng video trên trong việc huấn luyện nhân viên. Sau vụ này, CEO Glenn Tilton gắn bó với hãng cho đến khi United Airlines sáp nhập với Continental vào tháng 10.2010.
Mới đây trong buổi phỏng vấn với Canadian Broadcasting, ca sĩ Carroll than phiền rằng United Airlines thiếu ăn năn sau vụ bê bối: “Tôi đã nghĩ rằng họ sẽ tiến bộ, nhưng 7 năm sau, cùng một vấn đề vẫn lại xuất hiện. Tôi nghĩ nó liên quan đến văn hóa doanh nghiệp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.