Bất bình đẳng giàu nghèo đe dọa kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương

05/12/2017 21:04 GMT+7

Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển đang đe dọa sự thành công về mặt kinh tế trong khu vực.

Theo Reuters, chuyên gia kinh tế Sudhir Shetty thuộc WB cho hay: “Toàn bộ cơ sở thành công của Đông Á nằm ở tư duy mọi thứ đều công bằng. Bạn chăm chỉ làm việc, bạn thành công. Song điều này đang bắt đầu rạn nứt”.
WB cho biết trong báo cáo mới rằng tăng trưởng kinh tế bùng nổ đang giúp hàng triệu người trong khu vực thoát cảnh cực kỳ nghèo kể từ thập niên 1980, song làn sóng thịnh vượng không đảm bảo an ninh kinh tế rộng khắp. Các nước đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương phải tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, giúp người dân nghèo leo lên bậc thang kinh tế nếu muốn tránh các ảnh hưởng tiêu cực của bất bình đẳng giàu nghèo, WB cho hay.
WB cho biết dân số già nhanh, đô thị hóa và sự biến mất của các nhà máy dùng nhiều lao động sẽ đẩy hàng triệu người ở khu vực này xuống dưới mức nghèo đói, vốn được định nghĩa là từ 3,1 đến 5,5 USD/ngày. “Trong môi trường thay đổi này, đặc biệt là khi cân nhắc một số tác động từ bên ngoài, khu vực Đông Á cần bắt đầu nghĩ về tăng trưởng tổng thể”, ông Shetty cho hay.
Số người nghèo các nước ở khu vực, trong đó có khoảng 10 quốc gia, các đảo Thái Bình Dương (trừ các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc), đã và đang giảm mạnh trong những thập niên gần đây. Khoảng 2/3 tổng dân số đang là trung lưu hoặc an toàn về mặt kinh tế tính đến năm 2015, tăng từ mức 20% năm 2002. Dù vậy, bất bình đẳng thu nhập đang cao hoặc tăng mạnh. Vấn đề này nóng nhất ở Indonesia và Trung Quốc.
Từ năm 1988 đến năm 2012, 5% số dân giàu nhất khu vực tăng thêm mức tiêu dùng cá nhân lên gần 400 USD mỗi năm, trong khi những người nghèo nhất chỉ tăng mức tiêu dùng lên chưa đầy 30 USD/năm.
Đông Á, Thái Bình Dương cũng chứng kiến sự đi lên của tầng lớp siêu giàu mới. Tài sản của các tỉ phú hiện nay tương đương với gần 9% tổng sản phẩm quốc nội khu vực. Điều này khiến bất bình đẳng giàu nghèo gia tăng.
Các chính phủ cần tăng cường thu thuế thu nhập cá nhân bằng cách đóng các khẽ hở thuế và mở rộng cơ sở thuế, giải quyết nạn tham nhũng, cải thiện việc làm. Thêm vào đó, kế hoạch đô thị cũng cần được thay đổi để giúp tăng trưởng phục hồi và giúp nền kinh tế đứng được trước thiên tai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.