Bí quyết làm giàu: Liên kết trồng lan vũ nữ xuất khẩu

01/01/2018 06:44 GMT+7

Đó là trường hợp của ông Cao Đông Hải (ngụ TT.Di Linh, H.Di Linh, Lâm Đồng).

Trước đây, gia đình ông Hải canh tác cà phê như hầu hết các nông hộ khác trong vùng. Tuy nhiên, do cà phê giá cả bấp bênh nên ông tìm cách chuyển đổi sang trồng hoa công nghệ cao.
Năm 2012, ông Hải tìm đến một công ty chuyên trồng lan vũ nữ xuất khẩu ở H.Đức Trọng (Lâm Đồng) để học hỏi và đăng ký làm “đối tác”. Sau khi nắm bắt kỹ thuật và tính toán phương án kinh doanh, ông kêu gọi thêm 2 anh em trong gia đình cùng liên kết trồng hoa. Đầu năm 2013, ông xây dựng 5.000 m2 nhà lưới đầu tiên theo công nghệ kỹ thuật của Đài Loan, nguyên vật liệu làm nhà lưới phần lớn đều nhập ngoại. Bên trong nhà lưới, ông Hải trang bị hệ thống nước tưới tự động được xử lý qua các công đoạn lấy từ giếng khoan nước ngầm rồi lắng, lọc thành nước “siêu sạch” để tưới cho hoa.
Các chậu hoa cũng được đặt trên giàn cao cách mặt đất khoảng 0,5 m. Dưới mặt đất được phủ một lớp màng lưới để ngăn côn trùng và cỏ dại. Ông Hải cho biết chi phí đầu tư cho 5.000 m2 nhà lưới đầu tiên để trồng lan vào khoảng 4 tỉ đồng. “Khi mới bắt tay vào trồng lan vũ nữ, tôi khá lo lắng, bởi chưa có kinh nghiệm đối với loại cây này cộng thêm chi phí đầu tư rất cao. Tuy nhiên, nhờ phía công ty hỗ trợ kỹ thuật nên sau một năm rưỡi, lứa hoa đầu tiên đã cho thu hoạch và đạt chất lượng khá tốt”, ông Hải chia sẻ.
Hiện nay, vườn lan vũ nữ của ông Hải được mở rộng lên 1,3 ha với gần 100.000 chậu, mỗi tháng cho thu hoạch trung bình 20.000 cành/ha. Sau khi thu hoạch, hoa được phân loại, đóng gói và chuyển đến xưởng sơ chế của công ty ở H.Đức Trọng. Tại đây, hoa được đóng thùng, gắn nhãn mác và mã số riêng mà công ty cấp cho từng nông hộ rồi mới chuyển đi xuất khẩu.
Ông Hải cho biết thêm: “Việc đánh mã số cho từng hộ nhằm truy xuất nguồn gốc từng cành hoa để đánh giá hoặc so sánh xem sản phẩm của hộ nào chất lượng tốt nhất. Qua đó giúp nông dân chúng tôi có trách nhiệm hơn đối với từng cành hoa của mình từ khi chăm sóc đến lúc xuất bán”. Hiện tất cả các trang trại hoa trong nhóm nông dân liên kết được sản xuất, chăm sóc theo cùng một quy trình chung để chuẩn hóa chất lượng sản phẩm. Sản phẩm sau khi thu hoạch đều được tập trung về một nơi để xử lý, trước khi xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước. Hoa lan vũ nữ của nhóm liên kết sản xuất này chủ yếu được xuất khẩu qua Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Singapore… nhờ đó thu nhập từ vườn lan ổn định và cao hơn hẳn so với trồng cà phê hay trồng những loại hoa khác. Ông Hải tiết lộ, trung bình 1 ha lan vũ nữ giúp ông thu về từ 1,5 - 2 tỉ đồng/năm, sau khi đã trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc.
Ông Đặng Văn Khá, Phó phòng NN-PTNT H.Di Linh, nhận xét: “Trang trại trồng lan vũ nữ của ông Hải là mô hình trồng hoa công nghệ cao hiện đại nhất tại Di Linh. Không chỉ cho thu nhập cao mà còn mang tính bền vững do liên kết sản xuất và có đầu ra ổn định”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.