Biến thịt thối thành đặc sản

09/12/2011 02:36 GMT+7

Thịt heo bệnh được đưa đi ngâm hóa chất để “phù phép” thành đặc sản núi rừng. Vú heo chết thì biến thành vú dê, chim cút chết biến thành động vật hoang dã...

Thịt heo bệnh được đưa đi ngâm hóa chất để “phù phép” thành đặc sản núi rừng. Vú heo chết thì biến thành vú dê, chim cút chết biến thành động vật hoang dã...

Ông Nguyễn Xuân Lưu, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, khuyến cáo trên địa bàn TP hiện nay vẫn tồn tại nhiều điểm bán thịt chim giả. “Dân nhậu” dễ dàng nhận ra các điểm tại cầu Rạch Chiếc (Q.Thủ Đức), QL22 (H.Hóc Môn), đoạn gần cầu Phú Mỹ (Q.2), đường Nguyễn Văn Linh (Q.Bình Tân)... rao bán thịt chim chàng nghịch giả từ chim cút. Mà phần nhiều là cút bệnh hoặc không đạt chất lượng, bị thải ra từ các trại nuôi.

''Đối tượng làm ăn bất chính thường không có kiến thức về hóa chất, cộng với việc tham lam lợi nhuận nên đổ hóa chất vô tội vạ vào thịt để chế biến, rất nguy hiểm'' - BS Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế cộng đồng - Bộ Y tế

Ông Lưu chỉ rõ thủ đoạn làm giả của một số nơi như sau: chim cút sau khi  vặt sạch lông thì được làm vàng đi bằng đèn khò và được giới thiệu là... thịt chim chàng nghịch. “Dân nhậu” ít người biết chim chàng nghịch là chim gì nhưng nghe người bán nói vậy cũng tin là động vật hoang dã nên mua. Giá bán dao động từ 120.000 - 180.000 đồng/kg trong khi chim thật ở các tỉnh miền Tây đã bán từ 250.000 - 300.000 đồng/kg.

Heo chết thành... đà diểu

Nhưng tình trạng phổ biến và đáng báo động hiện nay là “công nghệ phù phép” thịt heo thối thành thịt đà điểu.

Hôm 21.11, Trạm Thú y Bình Chánh (TP.HCM) phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở chế biến thực phẩm của ông Lê Văn Hiền tại địa chỉ C5/11B5, ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh thì bắt quả tang ông này đang ngâm thịt heo thối vào hóa chất cho sậm màu rồi đóng gói thành thịt đà điểu. Qua kiểm tra, đoàn đã thu giữ 20 kg bao bì và tem nhãn thịt đà điểu, hơn 200 kg thịt heo và 168 kg thịt heo đã đóng vỉ với nhãn hiệu thịt đà điểu. Theo nhận định của đoàn kiểm tra, loại hóa chất ông Hiền sử dụng để “phù phép” thịt heo thành thịt đà điểu có thể là chất sunfua dioxit (SO2). Loại hóa chất này có tác dụng khử sạch mùi hôi thối của thịt, đồng thời làm thịt sậm màu, trông giống màu thịt đà điểu.

Mới đây, ngày 27.11, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Rạch Chiếc phối hợp với Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức tiến hành kiểm tra và phát hiện xe khách 76B-000.05 (do ông Nguyễn Ngọc Cường, ngụ Quảng Ngãi) làm tài xế chở 56 kg thịt heo nái thui giả heo rừng, từ Quảng Ngãi về TP.HCM tiêu thụ. Bọn làm giả này dùng đèn khò thui da heo, sau đó ngâm hóa chất để da heo vàng, dai, rồi dùng dụng cụ xăm, bắn lông ba chấu cho giống da heo rừng, bán giá rẻ cho quán nhậu, nhà hàng.

Trước đó, Đội CSGT Rạch Chiếc phối hợp Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức cũng bắt quả tang ông Phan Thanh Phát (ngụ Q.Tân Bình) điều khiển xe 66M4-0395 vận chuyển hơn nửa tấn thịt heo rừng giả từ thịt heo nái. Lô “đặc sản” này bốc mùi hôi thối. Đại diện chủ lô hàng thừa nhận toàn bộ số lượng hàng này được đưa vào tiêu thụ tại các nhà hàng, quán nhậu ở TP.HCM.


Lô thịt heo rừng giả bị Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức bắt quả tang (da heo được tân trang lại cho giống với heo rừng) - Ảnh: Hoàng Việt

Ăn một lần cũng có nguy cơ ngộ độc

Từ lời khai của các đối tượng cho thấy, nơi tiêu thụ các loại “đặc sản” dỏm này là nhà hàng, quán nhậu. Thịt heo nái, heo thối được mua giá bèo, dùng hóa chất “tân trang” rồi biến thành đặc sản.

Ông Nguyễn Xuân Lưu kể, trước đây lực lượng kiểm lâm cũng từng bắt quả tang vụ làm giả thịt heo rừng từ thịt heo nái bệnh, heo nọc thối ở khu vực Q.Thủ Đức. Bọn làm giả đem thịt heo thối về dùng đèn khò vàng, cấy lông cho giống thịt heo rừng, đóng gói “xuất ngược” lên các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông... rồi từ trên đó đưa xe xuống TP, bỏ mối cho nhà hàng, quán nhậu nên người mua cứ đinh ninh là heo rừng thật. “Tận mắt chứng kiến công nghệ thịt heo rừng chế biến từ thịt heo thối, chảy nhớt, phân hủy, tôi thấy ớn lạnh. Ăn phải loại thịt này chỉ có rước bệnh vào người”, ông Lưu nói.

BS Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế cộng đồng - Bộ Y tế, phân tích: “Trong thực phẩm người ta chỉ cho sử dụng một số loại hóa chất nằm trong danh mục cho phép sử dụng. Nếu sử dụng chất SO2 quá liều lượng để tẩy mùi thịt heo ôi thiu sẽ tạo ra chất hydro sunfua, rất độc hại đối với cơ thể con người. Thịt ôi thiu có sự phân hủy mạnh tạo ra các chất NH3, amin tự do, phenol... là những chất độc trung gian, là chất độc đối với tế bào con người. Ngay cả hóa chất trong danh mục cho phép cũng không được lạm dụng. Đối tượng làm ăn bất chính thường không có kiến thức về hóa chất, cộng với việc tham lam lợi nhuận nên đổ hóa chất vô tội vạ vào thịt để chế biến, rất nguy hiểm. Trong thịt còn có chất béo trong quá trình phân hủy cùng hóa chất tạo ra chất peroxit, các oxyaxit, aldehit, hydro sunfua... làm cho người ăn phải loại thịt này dù chỉ một lần cũng có nguy cơ bị ngộ độc”.

BS Mai nhấn mạnh, thịt thối thì không còn gọi là thịt nữa, đó là rác rưởi chứa các chất chuyển hóa trung gian độc hại, nếu ăn phải sẽ bị dị ứng, rối loạn tiêu hóa.

Xe khách vẫn chở thịt thối

Ngày 8.12, Công an H.Hướng Hóa (Quảng Trị) phối hợp các ngành chức năng thực hiện các thủ tục tiêu hủy hơn 700 kg thịt thối gồm nội tạng, chân, đuôi trâu bò đã bốc mùi. Đây là số tang vật mà lực lượng Công an H.Hướng Hóa, Hải quan khu thương mại đặc biệt Lao Bảo phát hiện trên xe khách 74K-2016 chiều 7.12 tại Trạm kiểm soát Tân Hợp, H.Hướng Hóa (ảnh). Chủ xe Ngô Thị Hà (SN 1970, trú TP.Đông Hà) khai nhận số thịt này do một khách quen gửi từ Lào về TP.Đông Hà tiêu thụ.

Tin, ảnh: Nguyễn Phúc

Hoàng Việt - Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.