Bốn ảnh hưởng từ việc Mỹ tăng lãi suất

16/03/2017 17:42 GMT+7

Quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên mức 0,75 - 1% vào sáng 16.3 (giờ Việt Nam) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tác động lên nền kinh tế toàn cầu.

Theo CNN, đây là lần tăng lãi suất thứ hai liên tiếp chỉ trong vòng ba tháng, kể từ tháng 12.2016 của Fed. Tuy mức tăng 0,25% được nhiều chuyên gia đánh giá là sẽ chưa gây ảnh hưởng nào quá lớn ngay trước mắt, nhưng chắc chắn điều này sẽ mở ra sự kỳ vọng cho một loạt đợt tăng lãi suất đều đặn, cho tới khi giành lại lãi suất ở mức từ 3 - 4%.
Dưới đây là một số tác động lên kinh tế Mỹ và toàn cầu từ việc Fed tăng lãi suất.
Lãi suất tiết kiệm tăng
Những người gửi tiết kiệm ở Mỹ đã phải vật lộn trong nhiều năm nay vì lãi suất tiết kiệm thu về từ ngân hàng gần như không có gì. Nhưng khi Fed tăng lãi suất ngắn hạn, các ngân hàng sẽ trả lãi suất cho khách hàng cao hơn và người gửi tiết kiệm có thể kiếm thêm được một ít từ tiền gửi tiết kiệm của mình.
Bên cạnh đó, khi lãi suất tăng thì người dân cũng sẽ gửi tiết kiệm trở lại, và điều này được xem là tin vui cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng vốn bị thiếu tiền mặt trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để bắt đầu thấy một sự khác biệt thực sự, chúng ta có thể mất ít nhất một đến hai năm. Nhưng tính toán này hoàn toàn có thể thay đổi rất nhanh tùy thuộc vào hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, cũng như các mức tăng lãi suất dự kiến của Fed trong thời gian tới.

tin liên quan

Fed nâng lãi suất lần đầu trong năm 2017
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất chuẩn lên 1/4 điểm, cho biết lạm phát ở nền kinh tế số một thế giới đang tiến cận đến mức mục tiêu 2% vào rạng sáng nay 16.3.
Tỷ lệ thế chấp tăng
Các quyết định của Fed luôn có tác động một phần đối với thế chấp và lãi suất dài hạn. Mức tăng lãi suất cơ bản 0,25% lần này cũng đã kéo tỷ lệ thế chấp và chi phí cho vay mua nhà tăng.
Tính đến tuần trước, lãi suất cho vay thế chấp 30 năm trung bình tại Mỹ là 4,21%. Nhưng trong hai tuần tới, nó có thể tăng lên 4,5% theo dự đoán của Matthew Pointon, chuyên gia kinh tế của Capital Economics. Điều này có nghĩa người mua nhà mới có thể phải mua với giá cao hơn và tỷ lệ vay nợ cao hơn.
Thị trường chứng khoán tăng
Các thị trường chứng khoán trên thế giới luôn ''thấp thỏm'' mỗi khi có dấu hiệu mới từ Fed. Và lần này cũng không ngoại lệ, việc Fed tăng lãi suất lên 0,25% đã khiến cho thị trường chứng khoán đồng loạt khởi sắc và tăng mạnh. Cụ thể, chứng khoán Mỹ đã có ba phiên "lình xình" khi giới đầu tư chờ đợi cuộc họp từ Fed trong những ngày qua. Tuy nhiên, khi Fed ra thông báo chính thức, các chỉ số tài chính của Phố Wall trong phiên giao dịch cuối ngày đã bứt phá mạnh. Mặc dù tăng trưởng nhẹ hơn, nhưng tương tự Phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng cho thấy tín hiệu lấy lại đà tăng sau khi có tin từ Fed.
Ngân sách chính phủ sẽ chịu áp lực khổng lồ
Sau các đợt khủng hoảng kinh tế, ngân sách nhà nước thường rơi vào trạng thái thâm hụt, mất kiểm soát và tỷ lệ nợ tăng vọt. Trong trường hợp một số nền kinh tế chưa kịp hồi phục, việc tăng lãi suất cũng đồng nghĩa với việc tăng nhu cầu chi tiêu của chính phủ, kéo theo tăng nhu cầu đối với tất cả các loại hàng hóa và tăng tốc độ lạm phát. Vai trò của ngân hàng trung ương cũng sẽ giảm đi khi chính sách tài khóa tăng lên.
Riêng tại Mỹ, gánh nặng của việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang chuyển dần từ Fed sang Tổng thống Donald Trump khi ông hứa hẹn tăng trưởng 4% hằng năm, trong khi Fed dự kiến tăng trưởng 2% hằng năm cho đến năm 2019. Hơn nữa, Tổng thống Trump cũng đang có kế hoạch lớn cho việc đại tu cơ sở hạ tầng của Mỹ nên việc chi tiêu chính phủ chắc chắn sẽ tăng cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.