Thuế cao kỷ lục
Chiều 19.3, Bộ Công thương ra thông báo: Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13). Theo đó, cá tra của VN sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 - 7,74 USD/kg.
Thông báo nhận định: Đây là các mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra của VN sang Mỹ. Trong suốt quá trình rà soát, các doanh nghiệp (DN) VN đã nỗ lực phối hợp, cung cấp thông tin cho DOC nhưng rất tiếc DOC vẫn quyết định sử dụng dữ liệu bất lợi sẵn có (AFA) để xác định mức thuế cuối cùng. Đồng thời, DOC cũng thay đổi thông lệ điều tra khi áp mức thuế rất cao tính theo AFA cho nhiều DN xuất khẩu của VN. “Mức thuế mà Mỹ đưa ra là không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức. Đề nghị phía Mỹ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế đối với các công ty liên quan của VN trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của WTO, công bằng cho tất cả các bên liên quan”, Bộ Công thương nhấn mạnh và cho biết đang phối hợp chặt chẽ với VASEP, các DN xuất khẩu của VN để trao đổi thông tin và nêu ý kiến với các cơ quan chức năng của Mỹ.
Hai bị đơn bắt buộc trong vụ việc này là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods chịu mức thuế 7,74 USD/kg. Các DN còn lại chịu thuế 2,39 USD/kg.
Thực tế trong thời gian qua, DOC không ngừng điều chỉnh tăng thuế chống bán phá giá mặt hàng cá tra. Cách đây 6 tháng (13.9.2017), DOC công bố mức thuế sơ bộ POR 13 là 2,39 USD/kg (cho các bị đơn tự nguyện). Mức thuế này cao gấp hơn 3 lần so với đợt rà soát hành chính cuối cùng lần thứ 12 là 0,69 USD/kg. Còn nếu tính trong hai đợt rà soát hành chính liên tiếp nhau là POR 12 và POR 13 thì mức thuế lần sau cao hơn lần trước đến 5,6 lần.
Trước thông tin về mức thuế gây sốc trên, lãnh đạo một DN ở Tiền Giang cho biết: “Giá bán sản phẩm cá tra của VN vào thị trường Mỹ hiện ở mức gần 4 USD/kg. Mức thuế mới cao gấp đôi, gấp ba giá trị hàng hóa thì chúng tôi chắc phải bỏ cuộc”.
Tìm thị trường mới
“Cuộc chiến” cá thịt trắng xuất phát từ việc cùng nhóm sản phẩm thịt trắng nhưng cá tra VN có giá bán phổ biến thấp hơn khoảng 20 - 30%. Vì thế, Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ đã và đang cố tình dựng lên những hàng rào kỹ thuật, hàng rào thuế quan nhằm hạn chế và đẩy sản phẩm cá tra của VN ra khỏi thị trường của họ. Cuộc chiến chống lại con cá tra VN đã bắt đầu từ những năm 2000 ở Mỹ bằng các rào cản kỹ thuật và thuế. Trong khi đó, ở châu Âu cá tra bị “bôi bẩn” làm doanh số bán hàng giảm mạnh.
Sau một thời gian dài, hiện nay số DN xuất khẩu sản phẩm cá tra vào Mỹ và EU chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu vào hai thị trường này liên tục sụt giảm trong thời gian gần đây. Một DN cá tra hàng đầu VN cho biết: Mỹ và EU vẫn là hai thị trường quan trọng nhưng đang gặp khó bởi cuộc chiến này. Bù lại thị trường Trung Quốc - Hồng Kông và ASEAN đã vươn lên mạnh mẽ để lấp vào khoảng trống đó. Điều này cho thấy các DN đã chủ động ứng phó, biến thách thức thành cơ hội mở rộng thị trường. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trong năm qua và 2 tháng đầu năm nay.
Báo cáo mới nhất của VASEP cho biết: Giá trị xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông tiếp tục tăng mạnh 132% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra VN, đạt 41 triệu USD, chiếm 24% tổng xuất khẩu cá tra. Thị trường Mỹ với 26 triệu USD đã xuống vị trí thứ 2. Trong khi đó, thị trường ASEAN cũng đạt 19,1 triệu USD, tăng 126% so cùng kỳ năm trước. Thị trường Mexico, Colombia và Ả Rập Xê Út có giá trị xuất khẩu tăng trưởng lần lượt 56%, 81% và 79%.
Bình luận (0)