Châu Âu sẽ 'phớt lờ' Mỹ để làm ăn với Iran?

Thu Thảo
Thu Thảo
10/05/2018 09:43 GMT+7

Tổng thống Mỹ Donald Trump kéo Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt lại lệnh trừng phạt lên nước này, trong khi Đức, Pháp và Anh cam kết sẽ duy trì thỏa thuận.

Theo CNN, hiện cách các chính phủ và doanh nghiệp châu Âu phản ứng trước thông tin Mỹ lại trừng phạt Iran là quan trọng nhất. Đức, Pháp và Anh cam kết sẽ duy trì thỏa thuận, lập thách thức mới với chính quyền Tổng thống Mỹ về việc thương mại với Iran.
Các lệnh trừng phạt từ Mỹ sẽ ngăn chặn doanh nghiệp nước này làm ăn với Iran. Dù vậy, Bộ Tài chính Mỹ cũng có kế hoạch thực hiện “biện pháp trừng phạt thứ cấp” có thể “bẫy” các hãng châu Âu, trong đó có Airbus và Volkswagen.
Luật sư thương mại quốc tế Judith Lee tại hãng Gibson Dunn ở Washington DC cho biết: “Mỹ là một chú gorilla lớn trên trường quốc tế. Chúng ta không những cố gắng kiểm soát công ty của chúng ta, mà còn cố gắng kiểm soát công ty của các nước khác”.
Các doanh nghiệp bị bắt gặp vi phạm lệnh trừng phạt sẽ bị cắt đứt khỏi hệ thống tài chínhc của Mỹ và trở thành mục tiêu cho hàng loạt lệnh trừng phạt khác. “Nếu bạn là doanh nghiệp châu Âu và bạn tiếp tục làm ăn với Iran, bạn có khả năng phải chịu rủi ro. Mỹ có thể tự có biện pháp chống lại bạn”, ông Lee nói.
Các hãng đa quốc gia châu Âu vừa đưa ra lưu ý thận trọng hôm 9.5, nhiều doanh nghiệp cho biết họ sẽ xem xét quyết định của chính quyền ông Trump, tuân thủ tất cả luật và quy định.
Volkswagen, hãng bắt đầu xuất khẩu ô tô sang Iran vào năm ngoái, cho hay sẽ “theo dõi và xem xét các diễn biến chính trị, kinh tế trong khu vực một cách rất thận trọng”. Airbus, công ty vừa mất giấy phép cần thiết để bán hơn 100 máy bay cho Iran, cho hay họ sẽ “cẩn thận phân tích thông báo và đánh giá bước đi kế tiếp”. Cả hai doanh nghiệp đều cam kết tuân thủ luật pháp.
Nhiều doanh nghiệp thế giới cam kết đầu tư hàng tỉ USD vào Iran sau khi Mỹ và các cường quốc khác dỡ bỏ lệnh trừng phạt đặt lên Tehran. Đổi lại, Tehran phải cam kết bỏ chương trình phát triển hạt nhân của mình.
Châu Âu là khu vực đi đầu trong việc tái làm ăn với Iran. Liên minh châu Âu (EU) xuất khẩu gần 11 tỉ EUR, tương đương 13 tỉ USD, giá trị hàng hóa đến Iran trong năm 2017, tăng 66% so với năm 2015. Con số này lớn gấp 100 lần số hàng xuất khẩu của Mỹ vào Iran trong cùng năm.
Hãng Total của Pháp là một trong các doanh nghiệp cam kết mạnh nhất vào Iran khi ký thỏa thuận 2 tỉ USD để phát triển mỏ khí đốt South Pars ở Iran. Các quan chức châu Âu hôm 9.5 cho hay thỏa thuận hạt nhân Iran có lợi ích kinh tế và phải được tiếp tục.
Giới chuyên gia nói rằng EU có lựa chọn bất thường là bảo vệ thương mại với Iran, song đây là con đường gập ghềnh về mặt chính trị, có thể khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế khập khiễng pháp lý.
Một số người cho rằng EU có thể sử dụng “quy định ngăn chặn” để chống lại các lệnh trừng phạt Iran của Mỹ và cho phép thương mại tiếp tục diễn ra. Quy định này lần đầu được đưa ra vào năm 1996 để bảo vệ thương mại với Cuba.
“Không phải toàn bộ châu Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp châu Âu, đều tự tin rằng quy định sẽ cho phép khu vực tiếp tục kinh doanh với Iran. Giá trị thực tế của quy định thấp hơn nhiều so với giá trị biểu tượng”, chuyên gia về Iran Thomas Gratowski tại hãng tư vấn Global Counsel cho hay.
Vài chuyên gia cho rằng lựa chọn an toàn duy nhất cho các hãng châu Âu là hoãn hoạt động ở Iran. Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell thẳng thắn viết trên Twitter: “Các doanh nghiệp Đức đang làm ăn ở Iran nên ngừng hoạt động ngay lập tức”.
Lúc này, phản ứng từ phía Iran cũng không nhẹ nhàng. Lãnh đạo Iran Ayatollah Ali Khamenei viết trên Twitter rằng ông không còn tin tưởng Đức, Pháp và Anh nữa. “Nếu chính phủ muốn có hợp đồng, họ nên yêu cầu bảo đảm hoặc họ sẽ hành động như Mỹ đã làm”, lãnh đạo Iran nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.