|
Đổi thay từ thôn nghèo
Khoảng chục năm trở về trước, Phú Long chỉ là một thôn hoang sơ và nghèo khổ với vài nóc nhà lụp xụp ven biển. Người dân quanh năm đối mặt với gió bão. Với những phương tiện đánh bắt thô sơ, quanh quẩn gần bờ nên thu nhập của ngư dân bấp bênh, đời sống luẩn quẩn với cái đói, cái nghèo.
Nhưng nay, thôn Phú Long đã “thoát xác” và thay đổi một cách thần kỳ. Nhà cửa trong thôn mọc lên san sát, có rất nhiều nhà cao tầng khang trang. Đường giao thông được trải nhựa phẳng lỳ, ngõ ngách đều bê tông hóa vào tận cửa. Các công trình cơ sở hạ tầng như trường mầm non, nhà văn hóa thôn được xây dựng kiên cố, trẻ em được học hành và chăm lo chu đáo.
Có được sự đổi thay nhanh chóng này là nhờ ngư dân của thôn đã dám vươn khơi ra biển lớn, đầu tư trang thiết bị đi đánh bắt xa bờ, thu nhiều hải đặc sản có giá trị cao. Hiện nay thôn đã hình thành một đội thuyền gồm 21 chiếc chuyên đi đánh bắt, khai thác hải đặc sản quý ở ngư trường quanh quần đảo Trường Sa. Tên gọi “thôn Trường Sa” cũng được gắn với thôn Phú Long từ đó.
Làm giàu kết hơp giữ gìn biển đảo
Anh Huỳnh Tâm, thuyền trưởng thuyền BTh.98054-TS cho biết: “ Trước đây chỉ quen đánh bắt ở khu vực đảo Phú Quý, hải sản ít ỏi, làm cật lực mà cuộc sống vẫn vất vả, thiếu đói. Nghe theo anh em trong thôn, tôi cũng “liều” vay tiền ngân hàng đầu tư đóng thuyền lớn, mua sắm trang thiết bị hiện đại hơn để đi đánh bắt xa bờ. Nhờ đó mà thu nhập khá hơn nhiều”.
|
Ngư dân của thôn cho hay, ngư trường quanh khu vực quần đảo Trường Sa tập trung nhiều hải đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao như tôm hùm, ốc nón, ốc càng, hải sâm, cá mó, cá chình, mực nang.... Để khai thác hiệu quả những sản vật quý từ biển, ngư dân nơi đây phải đầu tư số vốn ban đầu khá lớn gồm tiền đóng thuyền công suất lớn, mua máy lặn, máy tầm ngư, máy định vị, bộ đàm, ngư cụ v.v.. Mỗi năm, trong khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng 8 âm lịch, ngư dân thường có từ 6 - 8 chuyến khai thác hải đặc sản ở Trường Sa. Mỗi thuyền có từ 10-15 lao động, chuyến đi kéo dài từ 25- 30 ngày mới trở về đảo. Thu nhập từ mỗi chuyến đi biển từ 100 - 150 triệu đồng, trừ các chi phí, mỗi thuyền viên chia nhau từ 10-15 triệu đồng/chuyến.
Anh Lê Văn Bảy, một ngư dân thôn Phú Long chia sẻ: “Tôi không có điều kiện để đóng thuyền, nên xin đi cùng với anh em trong thôn. Từ khi theo thuyền công suất lớn đi lặn tìm kiếm hải sản xa bờ thì thu nhập của tôi cũng khá hơn”. Còn trưởng thôn Phú Long, ông Trần Cứ cho biết thêm: Thôn Phú Long hiện có trên 200 hộ gia đình với hơn 1.000 nhân khẩu. Ngư dân làm nghề biển và đánh bắt xa bờ chiếm tới 90%. Nhờ nghề đi lặn và đánh bắt xa bờ có thu nhập cao mà mà thôn xóm được đầu tư xây dựng khang trang, cuộc sống người dân ngày càng khởi sắc”.
Ông Trần Văn Phú, Trưởng phòng kinh tế huyện Phú Quý cho biết: “Hiện nay toàn đảo đã có gần 1.200 chiếc thuyền, trong đó có trên 100 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ mang lại hiệu quả cao. Sản lượng đánh bắt đạt từ 2.000 – 2.400 tấn/năm. Ngư dân Phú Quý đi đánh bắt xa bờ vừa làm giàu cho gia đình vừa góp phần giữ gìn biển đảo quê hương”.
Bài, ảnh: Tiểu Thiên
>> Hỗ trợ giá điện cho dân đảo Phú Quý
>> Đặt tên đường cho đảo Phú Quý
>> “Săn” cua Mặt trăng trên đảo Phú Quý
>> Đóng tàu cao tốc ra đảo Phú Quý
Bình luận (0)