|
Chợ tự phát
Sau giải phóng, người dân khắp nơi kéo lên núi Cấm mua bán, lập nghiệp ngày càng đông. Kể từ đó, khu du lịch hành hương núi Cấm bắt đầu nhộn nhịp, hàng quán đua nhau mọc lên và ngôi chợ tự phát cũng hình thành.
Lúc đầu, chợ chỉ có vài ba người bán mấy loại rau củ, lâu dần nhóm họp thành tụ điểm để trao đổi hàng hóa gần chùa Phật Lớn, cách chân núi khoảng 2 giờ leo núi. Đến khi công trình tượng Phật Di Lặc hoàn thành vào năm 2006, nhà cửa đông đúc hơn, nơi đây mới thật sự trở thành chợ. Chợ nhóm ngay trên mặt đường, cạnh bờ hồ Thủy Liêm, phía trước là chùa Vạn Linh và một dãy núi hùng vĩ.
Hiện chợ có trên 50 bạn hàng, bán đủ các loại từ gạo, muối, thịt, cá, khô, mắm cho đến trái cây, rau củ, đồ điện máy… Mỗi người một ít, mang đến rồi bày ra, thuận mua vừa bán, không tranh giành, cãi cọ như những nơi khác. Bà con nông dân sống trên đỉnh núi thỉnh thoảng cũng mang sản vật ra chợ bán, phổ biến nhất là măng tre, trái cây, rau rừng và các loại đồ rẫy... Chợ không bán thuốc Nam, thuốc núi và các loài động vật hoang dã như nhiều điểm trên đường lên núi.
Tuy hình thành tự phát nhưng chợ trên núi Cấm mua bán khá rộn ràng, tấp nập vì đây là đầu mối giao lưu giữa ấp Vồ Đầu và Vồ Thiên Tuế, khu du lịch hành hương chùa Phật Lớn - chùa Vạn Linh - tượng Phật Di Lặc và điện Bồ Hong. Ngoài ra, xung quanh khu vực này còn có nhiều ngôi chùa cổ kính, lâu đời nên bà con trên đỉnh núi gọi là “chợ chùa”, có người còn gọi là “chợ chồm hổm” vì người bán tự gánh hàng đến bày dọc theo hai bên đường, hoàn toàn không có mái che, không có sạp, kệ. Chợ họp trong vòng 1 tiếng đồng hồ (từ 8 - 9 giờ sáng) là tan, sau đó bạn hàng chia nhau mỗi người một ngả, tiếp tục gánh hàng đi bán khắp nơi cho đến lúc xế bóng mới xuống núi quay về.
|
Vất vả mưu sinh
Những người gánh hàng đi bán hầu hết là người Khmer sống dưới chân núi, người mua là khách hành hương và dân sống trên núi. Họ không có ruộng đất canh tác, nghề nghiệp không ổn định, quanh năm chỉ làm thuê, gánh mướn hàng lên núi Cấm. Từ ngày có lộ xe, hàng hóa chủ yếu được vận chuyển bằng xe máy nên bị thất nghiệp, phải chuyển qua buôn bán mưu sinh. Hằng ngày, khi trời chưa sáng rõ, các bạn hàng rủ nhau vượt hơn 5.000 m đường đất đá ngoằn ngoèo đưa hàng lên núi Cấm.
Ngày nắng hay mưa, họ đều cặm cụi gánh hàng lên núi như những con ong cần mẫn và lúc nào cũng hy vọng mua may bán đắt. “Tuy công việc vất vả nhưng kiếm ra tiền. Chúng tôi có thể tự xóa đói giảm nghèo và lo cho con cái ăn học nên ai nấy cũng cảm thấy vui”, chị Neang Sa Phan, một bạn hàng chuyên mua bán trái cây trên núi Cấm, cho biết.
Thiên Lộc
Bình luận (0)