Lại mang chất thải đổ ra biển: Bộ mới đồng ý về mặt chủ trương

Lê Quân
Lê Quân
15/08/2018 09:00 GMT+7

“Đây là đồng ý về mặt chủ trương cho nhận chìm 2,5 triệu m 3 vật, chất nạo vét chứ chưa chấp thuận chính thức", TS Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nói.

Ngày 14.8, TS Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, khẳng định Bộ Tài nguyên - Môi trường chưa chấp thuận chính thức cho nhận chìm 2,5 triệu m3 bùn thải xuống biển trong quá trình thi công cảng than của dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch.
TS Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Ảnh: Lê Quân
Vị trí nhận chìm do tỉnh đề xuất
Theo TS Đồng, vị trí nhận chìm này là do UBND tỉnh Quảng Bình đề xuất. Theo đó, chủ đầu tư dự án đã thực hiện ĐTM của hoạt động nhận chìm vật, chất. Cụ thể: Khảo sát độ sâu, địa hình đáy biển khu vực biển dự kiến thực hiện nhận chìm; khảo sát hệ sinh thái và sinh vật vùng biển được dự kiến cho mục đích nhận chìm; phân tích thành phần vật liệu nạo vét và kích thước hạt khi nhận chìm; khảo sát vùng nuôi trồng, đánh bắt ở khu vực nhận chìm và vùng lân cận… Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã lập Hội đồng thẩm định ĐTM dự án. Căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định sau khi xem xét mức độ hoàn thiện của ĐTM dự án này, lãnh đạo Bộ TN-MT đã phê duyệt báo cáo ĐTM vào tháng 12.2017 với các điều kiện kèm theo để chủ đầu tư tiếp tục thực hiện các thủ tục theo quy định.
Đây là đồng ý về mặt chủ trương cho nhận chìm 2,5 triệu m3 vật, chất nạo vét chứ chưa chấp thuận chính thức
TS Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Theo đó, Bộ TN-MT yêu cầu chủ đầu tư phải tiếp tục lấy mẫu, bổ sung, đánh giá thành phần, đặc tính vật, chất tại khu vực dự kiến nạo vét và nhận chìm; thiết kế làm rõ phương án thi công; công nghệ nạo vét, đổ thải và nhận chìm phù hợp để giảm thiểu các tác động đến môi trường xung quanh; xây dựng và thực hiện chương trình giám sát, quan trắc môi trường liên quan đến hoạt động nạo vét, vận chuyển và nhận chìm trong giai đoạn thi công nhận chìm ở biển… Bộ cũng yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục làm rõ hơn về các điều kiện tự nhiên, môi trường của khu vực nhận chìm, xem xét hiện trạng đa dạng sinh học ở vùng dự kiến nhận chìm như thế nào, các hoạt động nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản ra sao, chế độ thủy hải văn ở đó có phù hợp...
ĐTM của dự án đề cập đến nhiều vấn đề, hoạt động khác nhau, nhận chìm là một phần và Bộ TN-MT cơ bản đồng ý. “Đây là đồng ý về mặt chủ trương cho nhận chìm 2,5 triệu m3 vật, chất nạo vét chứ chưa chấp thuận chính thức. Chủ đầu tư trong thời gian tới cần bổ sung, hoàn thiện thêm một số yêu cầu nêu trên, trình cơ quan chức năng xem xét. Việc xử lý bùn đất nạo vét này, cách tốt nhất là san lấp mặt bằng ven biển. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án báo cáo phương án chỉ sử dụng san lấp được khoảng 600.000 m3 trong tổng số hơn 2,5 triệu m3 nạo vét. Số còn lại, xử lý theo phương án nhận chìm ra biển”, TS Đồng nói.
Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm
Cũng theo TS Đồng, trong việc nhận chìm bùn thải tại Trung tâm điện lực Quảng Trạch, Bộ TN-MT đặc biệt quan tâm đến khả năng lan truyền bùn cát. Để rõ hơn việc này, Bộ đã yêu cầu chủ dự án phải chạy thử mô hình để đánh giá dưới tác động của dòng thủy văn, thủy triều, độ sâu vùng biển thì bùn thải có thể bị di chuyển, phát tán theo hướng nào, mức độ ra sao… khi nhận chìm. “ĐTM là sản phẩm của chủ đầu tư phục vụ cho chính dự án của họ nên chủ đầu tư phải có trách nhiệm làm tốt nhất. Luật pháp quy định chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm, nếu làm sai, để xảy ra ô nhiễm sẽ bị phạt, xử lý”, TS Đồng nói và cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, có thể phát sinh những vấn đề dự kiến, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm cập nhật, nêu giải pháp báo cáo Bộ TN-MT.
Hiện lãnh đạo Bộ TN-MT yêu cầu chủ đầu tư dự án chỉ được triển khai nhận chìm sau khi có ý kiến thẩm định cấp phép và bàn giao khu vực biển để nhận chìm của cơ quan có thẩm quyền. Nghĩa là sau khi được phê duyệt ĐTM, chủ đầu tư dự án còn phải tiếp tục khảo sát, hoàn thiện những yêu cầu bổ sung, trình Hội đồng thẩm định xem xét lại. Sau đó còn bước xin cấp phép nhận chìm và bước xin bàn giao khu vực biển dự kiến nhận chìm.
Các bước này, tùy theo phân cấp quản lý mà UBND tỉnh hoặc Bộ TN-MT sẽ xem xét. Nhận chìm vật, chất nạo vét xuống biển bao giờ cũng là phương án sau cùng.
Lãnh đạo Tổng cục Môi trường mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp, trao đổi trực tiếp của các chuyên gia, nhà khoa học, báo chí… về môi trường ở Trung tâm điện lực Quảng Trạch cũng như nhiều vấn đề khác của ngành môi trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.