Theo Bộ Công thương, số lượng thép từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này nên không thể gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất của Mỹ. Theo số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam, hai tháng đầu năm nay tổng lượng thép các loại tiêu thụ trong nước đạt hơn 3 triệu tấn, tăng 30,7% và xuất khẩu đạt hơn 728.480 tấn, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp thép Việt Nam với hơn 60%. Mỹ chỉ chiếm khoảng 11% thị trường xuất khẩu các loại thép của Việt Nam.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc công ty Thép Việt (cổ đông lớn của Công ty cổ phần Thép Pomina đang niêm yết trên sàn TP.HCM với mã POM), cho rằng hiện các doanh nghiệp trong nước chủ yếu khai thác thị trường ASEAN. Riêng Thép Việt có xuất khẩu đi Canada nhưng vẫn chưa nhiều vì công suất không đáp ứng đủ. Tuy nhiên, ông Thái cho rằng Chính phủ cần vận động để Mỹ loại Việt Nam ra khỏi chính sách áp thuế nhập khẩu này. Khi đó, cơ hội vào Mỹ mở rộng sẽ thúc đẩy cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm này gia tăng vì đây là thị trường rất lớn. Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP được ký kết cũng giúp cơ hội xuất khẩu sang các thị trường như Canada, Úc rất lớn. Quan trọng là các doanh nghiệp đầu tư sản xuất để đáp ứng cả về số lượng lẫn chất lượng mà các nước yêu cầu.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Bản Việt cũng nhận định quyết định của Mỹ có tác động không lớn đến HPG, HSG và NKG. Nhà sản xuất thép xây dựng Hòa Phát (HPG) chỉ xuất khẩu khoảng 2% tổng sản lượng sản xuất và chỉ một phần nhỏ trong số đó xuất khẩu sang Mỹ. Tương tự, các công ty sản xuất tôn mạ như Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Thép Nam Kim (NKG) xuất khẩu 45 - 50% sản lượng sản xuất, chủ yếu sang các quốc gia trong ASEAN. Đối với HSG, khoảng 10% tổng lượng sản xuất được xuất sang Mỹ, trong khi với NKG, con số này là 15%. Nhìn chung việc tác động chưa xảy ra mạnh.
Từ đầu năm đến nay, giá một số cổ phiếu ngành thép đã tăng khá mạnh, nhất là HPG từ mức 46.850 đồng/CP đã tăng lên đến 66.700 đồng/CP vào đầu tháng 3. Tuy nhiên với thông tin này, những ngày qua HPG đã giảm xuống còn 61.500 đồng/CP. HSG vẫn chỉ lình xình xoay quanh mức 24.000 đồng; NKG từ giá 41.000 đồng vào đầu năm đến nay đã giảm về còn 31.400 đồng… Nói cách khác, dù các doanh nghiệp cho biết quyết định này chưa gây nhiều tác động đến tình hình kinh doanh nhưng các nhà đầu tư vẫn tỏ ra bi quan và có thể cổ phiếu thép sẽ phải chờ thêm thời gian để đo lường mức độ tác động từ cuộc chiến thương mại này.
Bình luận (0)