Theo Bloomberg, viên cảnh sát về hưu 58 tuổi thuê một chiếc xe ở Singapore và lái 3-4 giờ mỗi ngày cho hãng Uber Technologies để trang trải tiền thuê xe. Ông Chiu còn có một chiếc Honda Vezel để dùng cho mục đích cá nhân. Việc thuê một chiếc xe và làm việc cho Uber đang ngày càng phổ biến ở Singapore, nơi tậu chiếc SUV của ông Chiu còn đắt hơn cả việc mua mẫu sedan thể thao BMW M3 ở thành phố New York (Mỹ).
“Mua xe ở Singapore cực kỳ đắt đỏ. Nếu bạn muốn lái xe vòng vòng để trang trải chi phí thì khá dễ. Khoản tiền thừa bạn còn sau khi lái xe cũng là nguồn thu nhập của bạn”, ông Chiu nói.
Công nghệ mới không chỉ thay đổi các ngành công nghiệp truyền thống ở Singapore - một xu hướng mà Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho hay sẽ buộc nền kinh tế phải chuyển mình - mà còn thay đổi hành vi người tiêu dùng khi họ cố gắng đối phó với chi phí gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao nhất trong sáu năm.
“Uber là một con đường khác để được tuyển dụng. Nó khiến thị trường lao động trở nên hiệu quả hơn vì cung cấp cho bạn nghề nghiệp thay thế. Bạn không cần giấy phép đặc biệt nào để được tuyển”, nhà kinh tế Brian Tan tại hãng Nomura Holdings ở Singapore nhận định.
Một chiếc Honda Vezel như của ông Chiu thường được bán với giá hơn 100.000 đô la Singapore (SGD), tương đương 71.000 USD, gần gấp bốn lần giá xe ở Mỹ. Ngoài thuế, các chủ xe ở Singapore còn phải mua giấy phép từ chính phủ, được gọi là Giấy chứng nhận Quyền lợi để hạn chế tắc nghẽn đường bộ và ô nhiễm. Tại đợt cấp giấy trong tuần này, giấy phép có giá 50.789 SGD cho một phương tiện nhỏ.
Lái xe sáu ngày mỗi tuần cho Uber chỉ vừa đủ để ông Chiu trang trải 500 SGD chi phí hằng tuần cho chiếc xe mà ông thuê từ hãng Lion City Rentals. Ông không quan tâm đến chuyện việc làm bán thời gian hoặc tình hình giao thông tại đảo quốc nhỏ bé này.
Số liệu chính thức cho hay từ năm 2014 đến 2015, số xe cho thuê ở Singapore tăng hơn 50% lên 29.369 chiếc, vượt qua tổng số taxi đang hoạt động. 2014 là năm mà Uber bước vào thị trường Singapore. Dù vậy, tổng số ô tô trên đường phố quốc gia Đông Nam Á vẫn hạ 1,5%.
Simon, một cựu nhân viên bất động sản 45 tuổi, thuê chiếc Toyota Corolla và chạy cho Uber nhiều nhất là 4 tiếng mỗi ngày. Doanh số bán nhà sụt giảm kể từ khi chính phủ áp dụng nhiều biện pháp kiềm chế giá cả khiến nhân viên nhiều công ty trong ngành phải tìm nguồn thu nhập khác, bao gồm cả việc chạy cho Uber.
Simon chia sẻ việc lái Uber cho phép ông có xe riêng để dùng trong dịp cuối tuần, khi ông chở vợ con đi 20 km qua biên giới Malaysia để đi chơi. Hành trình này cũng giúp ông tiết kiệm chi phí: ông đổ xăng ở Malaysia, nơi có giá xăng thấp hơn.
Uber đang dùng tiền thuê và tài trợ ô tô để thu hút và giữ chân tài xế khắp thế giới giống nhiều hãng đối thủ, chẳng hạn như GrabTaxi và Lyft. Trong khi với nhiều tài xế, thu nhập là mục đích chính thì với người Singapore, trang trải tiền mua, thuê xe cũng quan trọng không kém.
“Chuyện thuê xe rất hợp lý”, Tang Kin Yee, 53 tuổi, người làm việc trong hãng quảng cáo và nhiếp ảnh thương mại cho biết. Công việc của ông trục trặc từ năm ngoái và ông lái Uber để kiếm thêm tiền. Hiện ông thuê chiếc Honda Vezel và đang nghĩ đến việc chạy toàn thời gian cho Uber.
tin liên quan
Chi phí của doanh nghiệp taxi quá đắt đỏTrong khi các doanh nghiệp taxi truyền thống “tố” Uber, Grab lách luật, trốn thuế, cạnh tranh thiếu bình đẳng, thì các chuyên gia kinh tế cho rằng, bất bình đẳng một phần do sự lỗi thời của cơ chế.
Bình luận (0)