Đánh đu với cây nghệ

05/10/2017 07:00 GMT+7

Ước tính cả ngàn héc ta nghệ của nông dân Gia Lai trồng theo kiểu tự phát, chưa có đầu ra rõ ràng, đang là mối lo lớn với ngành nông nghiệp và nông dân.

Hồ tiêu chết, xuống giá; các loại nông sản khác như bơ, cà phê phải mất 2 - 3 năm mới có thu… Trước thực trạng này, hàng trăm nông dân ở Gia Lai lại xoay ra trồng nghệ. Dọc QL14 đoạn qua H.Chư Sê, người dân còn tận dụng đất trong các vườn cao su để trồng xen nghệ với diện tích khá lớn.
“Cứ trồng đã, đầu ra tính sau”
Có cung là có cầu. Tư thương bắt mối rất nhanh, mua nghệ giống từ các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông sang bán cho nông dân Gia Lai. Anh Nguyễn Hiền, một nông dân ở H.Đăk Đoa trồng 2 sào nghệ, cho biết: “Tôi nghe nói trồng nghệ cũng được, lại thấy nhiều người trồng nên cũng trồng. Tư thương có khi mua nghệ với giá chừng 6.000 - 7.000 đồng/kg rồi bán với giá nghệ giống lên đến 15.000 đồng/kg. Biết vậy nhưng mình không có nguồn đành chịu. Cứ trồng đã, đầu ra tính sau!”.

Vườn tiêu của gia đình tôi bị bệnh chết sạch, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Thấy người ta nói trồng nghệ có ăn nên làm theo. Giống mua cũng chả rõ nguồn gốc, đầu ra cũng chả rõ ràng. Cứ trồng đại vào, may thì có lời!

Ông Nguyễn Liệu, xã Ia Blứ, H.Chư Pưh

Theo nhiều nông dân, để trồng 1 ha nghệ, nếu có đất sẵn cũng phải đầu tư thêm chừng 1,5 tấn giống, cộng phân bón, công chăm sóc, thu hoạch tổng cộng khoảng 50 - 60 triệu đồng. Bắt đầu vụ trồng nghệ từ tháng 3 và phải đến 9 tháng hoặc một năm sau mới cho thu hoạch. Ông Nguyễn Liệu, ở xã Ia Blứ, H.Chư Pưh, nói: “Vườn tiêu của gia đình tôi bị bệnh chết sạch, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Thấy người ta nói trồng nghệ có ăn nên làm theo. Giống mua cũng chả rõ nguồn gốc, đầu ra cũng chả rõ ràng. Cứ trồng đại vào, may thì có lời!”.
Tại nhiều huyện như Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh… của tỉnh Gia Lai đã có hàng trăm héc ta nghệ được trồng, bất chấp đầu ra chưa rõ ràng. Một số thương lái cho biết nghệ củ một phần tiêu thụ trong nước, phần lớn xuất sang thị trường Trung Quốc. Thương lái chỉ là đầu nậu thu gom rồi bán sang tay kiếm lời. Còn giá bao nhiêu thì phải đến mùa mới biết được. Nhưng giá cũng… như thời tiết! Niên vụ trước, lúc cao điểm giá nghệ lên đến hơn 7.000 đồng/kg. Với mức giá đó, bình quân mỗi héc ta, nông dân thu lời khoảng 50 - 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư. Nhưng niên vụ này, với diện tích nghệ tăng đột biến, nông dân như đang ngồi trên lửa.
Cơ quan chức năng lúng túng
Đối với cây nghệ, nông dân nên trồng thăm dò. Vì chưa có đầu ra, giá cả chưa ổn định và nhà máy chế biến cũng chưa có. Nếu đầu tư trồng tràn lan, khi bán không được sẽ dẫn đến thiệt hại lớn cho bà con
Ông Nguyễn Long Khánh, Phó phòng NN-PTNT H.Chư Pưh
Ông Nguyễn Long Khánh, Phó phòng NN-PTNT H.Chư Pưh, cho biết diện tích nghệ trên địa bàn H.Chư Pưh lên đến gần 100 ha. Năng suất bình quân ước đạt 19,16 tấn/ha. Người dân chủ yếu trồng giống nghệ vàng, nghệ đỏ. Qua kết quả kiểm tra cho thấy cây nghệ phát triển tương đối tốt. Tình hình sâu bệnh hại không đáng kể và khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ chủ yếu theo hình thức tự phát. Các doanh nghiệp thu mua hiện nay chỉ thông qua hợp đồng số lượng sản phẩm thu mua với đại diện các nhóm nông dân, không có liên kết sản xuất và đầu tư các khoản vật tư nông nghiệp.
“Đối với cây nghệ, nông dân nên trồng thăm dò. Vì chưa có đầu ra, giá cả chưa ổn định và nhà máy chế biến cũng chưa có. Nếu đầu tư trồng tràn lan, khi bán không được sẽ dẫn đến thiệt hại lớn cho bà con”, ông Khánh khuyến cáo.
Nghệ là loại cây trồng không mới ở Gia Lai cũng như các tỉnh Tây nguyên. Song với sự phát triển diện tích ồ ạt như hiện nay đã đẩy ngành chức năng vào thế lúng túng trong việc khuyến cáo, quy hoạch cây trồng. Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Gia Lai, cho biết hiện đang thống kê số liệu về diện tích cây nghệ trên địa bàn tỉnh này, từ đó mới có báo cáo lên cấp trên để có định hướng, chỉ đạo cụ thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.