Đeo vòng cho heo kiểu đối phó

Đeo vòng cho heo để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc theo đề án của TP.HCM được cho là còn nặng về hình thức, nên một số thành phần tham gia chuỗi cung ứng thịt heo có tâm lý làm đối phó.

Theo quy trình, người chăn nuôi heo phải đeo vòng và kích hoạt (khai báo) thông tin về trang trại của mình. Tuy nhiên, do việc thực hiện còn khó khăn trong thời gian đầu, nên Sở Công thương TP.HCM - đơn vị chủ trì đề án - cho phép thương lái đeo vòng hộ người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết: Đến ngày 31.7, chúng tôi không còn cho phép thương lái đeo vòng cho heo. Cũng từ thời điểm đó, chúng tôi đã xóa, “cắt” code mà trước đây thương lái khai báo thông tin giùm người chăn nuôi.
Con số 75 - 77% heo có thông tin truy xuất khi xuất chuồng là do người chăn nuôi tự khai. “Chúng ta cũng không loại trừ khả năng người chăn nuôi đưa thông tin của mình cho thương lái kích hoạt. Thông tin của từng trang trại, hộ nuôi là thương hiệu riêng, người chăn nuôi trang trại không nên giao việc này cho thương lái vì có thể tiềm ẩn rủi ro”, ông Hòa khuyến cáo.
Bắt tay đối phó
Nhưng thực tế, thương lái vẫn là người đeo vòng cho heo. Chiều 10.9, hộ ông Đào Hữu Thuận (xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất, Đồng Nai) xuất bán đàn heo hơn 50 con. Một thương lái mang theo một bọc dây màu vàng có mã số trên đó để đeo cho heo. Mỗi con heo khi lên bàn cân thì được người bắt heo đeo sợi dây màu vàng vào hai chân sau rồi đưa lên thùng xe tải để chở về TP.HCM tiêu thụ.
Thương lái Đỗ Thị Tâm cho biết số vòng này mua ở TP.HCM. Từ khi TP.HCM đề ra chương trình đeo vòng cho heo, chị phải vận động các mối bán heo đăng ký chương trình, lấy mã code, để heo được nhập vào TP.HCM. “Vòng này tôi mua giúp người chăn nuôi với giá 3.000 đồng/vòng, mỗi con heo đeo 2 cái. Số tiền này trừ vào tiền mua heo”, thương lái này cho biết.
Theo quy định, chủ cơ sở nuôi đeo vòng cho heo nhưng hầu hết họ đều nhờ thương lái đeo giùm. Sau đó, chủ cơ sở nuôi lấy mã được Sở Công thương TP.HCM cấp ra kích hoạt. Tuy nhiên, chị Tâm tiết lộ: “Có những hộ chăn nuôi chưa đăng ký với Sở Công thương TP.HCM, nếu mình không mua họ bán cho người khác, mình mất mối.
Vì vậy khi mua, mình đeo vòng vào rồi kiếm một mã trại nào đó kích hoạt, nhằm đối phó để đưa được heo vào thị trường TP.HCM”.
Truy xuất “rụng” dần
Phần lớn heo tiêu thụ ở TP.HCM đến từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Theo quy trình, heo từ trang trại sau khi được kích hoạt thông tin bán cho thương lái rồi đưa lên xe. Xe này phải được ngành thú y niêm phong và thương lái phải kích hoạt thông tin của mình. Khi vận chuyển đến lò mổ sẽ được ngành thú y ở lò mổ giám sát, kiểm tra thông tin. Việc này để đảm bảo trong quá trình không phát sinh tiêu cực. Quy trình tương tự được áp dụng từ lò mổ đến chợ đầu mối. Tuy nhiên, từ trang trại đến lò mổ tỷ lệ heo có thể truy xuất giảm từ 75% xuống 65% và từ lò mổ ra chợ đầu mối giảm đến 30%, chỉ còn 35%.
Giải thích về thực tế trên, ông Hòa chỉ ra 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất là do những người tham gia chưa có thói quen khai báo thông tin ở từng khâu. Thứ 2 do đây chưa phải là quy trình bắt buộc, nên ngành thú y các tỉnh còn chưa nhiệt tình tham gia và vẫn còn tâm lý “chờ đợi”. Thứ 3, cũng không loại trừ yếu tố tiêu cực nên họ không thực hiện.
“Việc truy xuất nguồn gốc này chỉ thực hiện được nếu TP.HCM có quy định bắt buộc với tư cách của người mua hàng - lúc đó các tỉnh phải nhiệt tình tham gia. Đồng thời các thành phần trong chuỗi phải nâng cao ý thức tự giác thực hiện để xây dựng thương hiệu cho chính mình”, ông Hòa nói.
Tham vọng lớn
Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết từ ngày 1.9, chương trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm đã được triển khai, mỗi ngày cung cấp từ 1,2 - 1,5 triệu quả trứng gia cầm các loại trên tổng nhu cầu của thành phố là 2 triệu quả. Bên cạnh đó, TP cũng đang chuẩn bị ra mắt chương trình truy xuất nguồn gốc thịt gà. Hiện tại có 355 trang trại chăn nuôi gà thịt tham gia. Đầu tháng 10 người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc thịt gà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.