Người dân khốn khổ vì ngập
Trên địa bàn TP.HCM, nhiều nơi cuộc sống người dân khốn khổ vì thường xuyên đối mặt cảnh ngập nước nặng nề. Bà Huỳnh Thị Sen (ngụ số 8, đường Đỗ Năng Tế, P.An Lạc A, Q.Bình Tân) cho biết từ khi con đường Kinh Dương Vương được nâng cao trước nhà bà lại thấp nên thường xuyên bị ngập sâu. Nguyên nhân, theo bà Sen, mỗi khi mưa lớn nước từ đường Kinh Dương Vương chảy tràn vào đường Đỗ Năng Tế nhưng cống không thoát nước được. Trong nhà bà Sen phải kê gạch các tủ giường, làm thêm kệ sắt cho tủ lạnh để tránh ngập. Đến nay nhà bà cũng đã nâng nền lên gần đụng trần mà vẫn ngập. "Tôi cho nâng nền nhà lên cao hết cỡ, nhưng rồi năm sau nước lại ngập cao hơn năm trước nên giờ chỉ biết chịu đựng". “Ở đây mưa xuống nước ngập đã đành, còn đây nước cống hôi thối cộng với một công ty ở đây xả thải dầu mỡ rồi theo nước tràn vào nhà người dân bám lại gây hôi vô cùng. Còn khu nhà trọ của công nhân rất tội nghiệp. Nước ngập không ai ăn ở gì được, ai cũng đòi bỏ đi chỗ khác. Mỗi lần ngập vậy nệm chiếu của công nhân đều mang đi bỏ hết, thấy xót lắm”, bà Phan Nữ Xuân Hoàng ngụ số 53, đường Lâm Hoành, P.An Lạc (Q.Bình Tân) bức xúc. Tình cảnh khốn khổ cũng xảy ra đối với nhiều khu dân cư ở những vùng "rốn ngập" ở Q.Gò Vấp, Q.Bình Thạnh, Q.7... (Phạm Hữu)
|
Đô thị phát triển 'nóng', TP.HCM hễ mưa là ngập
28/05/2018 16:31 GMT+7
Thực trạng đô thị phát triển quá 'nóng' đã được cơ quan điều hành chương trình ngập nước 'điểm danh' khi nói về nguyên nhân ngập nước nặng nề thời gian vừa qua ở TP.HCM.
Sau những trận ngập nước dồn dập, nặng nề ngay từ đầu mùa mưa 2018, chiều nay 28.5, UBND TP.HCM họp bàn với 24 quận, huyện, các sở ngành để khẩn trương giải quyết.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho biết trong năm 2018 trên địa bàn TP.HCM có 22 trận mưa gây ngập nước, trong đó trận mưa lớn nhất dẫn đến ngập trên diện rộng xảy ra vào ngày 19.5 vừa qua.
Trong 32 tuyến đường bị ngập nước nặng nề trong trận mưa ngày 19.5 vừa qua, các tuyến đường Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh), Cây Trâm, Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp) và Quốc Hương (Q.2)... phải mất 3 giờ sau nước mới rút; cá biệt có những tuyến như Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương, Phan Anh phải mất 5 giờ mới rút nước khiến sinh hoạt, đi lại của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cập nhật các nguyên nhân gây ngập nặng, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho rằng vũ lượng mưa lớn, nhiều trận mưa vũ lượng trên 100mm, đỉnh triều vượt qua ngưỡng 1,7m, vượt tần xuất thiết kế hệ thống thoát nước theo Quyết định 752 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước tại TP.HCM (vũ lượng tối đa chỉ 95,91mm, đỉnh triều chỉ +1,32m). Đặc biệt, có những khu vực đô thị phát triển ''nóng'', hạ tầng không theo kịp nên hễ mưa là ngập nước.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, ngập nước nặng nề còn do tình trạng đầu tư chưa đồng bộ, tình trạng xả rác xuống hệ thống cống thoát nước, hệ thống cống thoát nước bị lấn chiếm; nhiều dự án đang triển khai chưa hoàn thành nên chưa phát huy tác dụng...
Nhìn nhận về trách nhiệm chủ quan từ phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng nói: "Công tác chống ngập chưa được như kỳ vọng, dù thực tế có đạt được một số kết quả nhất định".
Đề cập đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, nói: "Đô thị của mình có nơi "áo mới" nhưng nhiều nơi đang khoát "áo cũ", không có sự đồng bộ. Chúng ta cần đánh giá toàn diện về nguyên nhân, tính đến từng vị trí, từng khu vực cụ thể, rà soát cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được để tập trung khắc phục".
Bình luận (0)