Đổ xô trồng tiêu lốt

04/04/2017 07:23 GMT+7

Người dân một số huyện của Gia Lai như Chư Pưh, Chư Sê, Đăk Đoa, Ia Grai đã đổ xô mua giống tiêu lốt về trồng vì nghe một số lời đồn thổi về giá trị cao, khả năng kháng bệnh...

Đặc biệt, khi giống tiêu đen truyền thống ở khu vực Tây nguyên và một số tỉnh miền Trung đang bị chết hàng loạt khiến không ít người đổ nợ, thì tiêu lốt càng được nhiều người nghĩ tới.
Thế nhưng, điều đáng nói là địa phương chưa có quy hoạch diện tích trồng loại cây này, cũng như thị trường đầu ra của sản phẩm còn khá mập mờ.
Trồng theo… internet
Chị Nguyễn Thị Hài ở xã Ia Pát (H.Chư Sê) đầu tư mua 400 cây giống tiêu lốt từ tháng 7.2016 về trồng thay thế cho diện tích đất trồng 1.000 trụ tiêu đen nhưng đã chết rụi trước đó. “Tôi tìm hiểu trên mạng internet, nghe nói tiêu lốt có giá cao, kháng bệnh tốt nên mua trồng thử. Hiện tiêu phát triển khá tốt, sai quả và bắt đầu cho thu hoạch. Với 1 tạ tiêu khô thu được, gia đình tôi khấp khởi mừng thầm, liên lạc với một số đại lý thu mua nông sản ở các tỉnh phía nam thì họ báo giá mua vào là 140.000 đồng/kg. Nhưng do tiêu thu được còn ít nên tôi chưa bán. Nếu đầu ra đảm bảo, giá bán như hiện tại thì tới đây gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích trồng tiêu này”, chị Hài tin tưởng.
Trong khi đó, ông Phạm Trọng Thiện ở xã Albá (H.Chư Sê) cho biết: “Thấy nhiều người trồng nên tôi cũng lên mạng tìm hiểu và được một công ty ở TP.HCM giới thiệu giống, hứa sẽ bao tiêu sản phẩm. Tôi đã mua 2.000 cây giống với giá 15.000 đồng/cây, cộng đầu tư cả trụ, làm đất, phân chuồng hết gần 200 - 300 triệu đồng. Nhưng chỉ qua vài trận mưa đầu mùa, giống tiêu này chết hàng loạt, giờ chỉ còn lại khoảng 400 cây. Số tiêu còn lại nếu trồng đến khi cho thu hoạch cũng không biết bán cho ai vì khi liên lạc lại với nơi cung cấp giống thì họ bảo không thể mua được vì chưa có đầu ra”.
Đổ xô trồng tiêu lốt1
Tiêu lốt thu hoạch chờ đầu ra ổn định
Ở Gia Lai, với nhiều người, cây tiêu lốt là giống tiêu lạ, mới xuất hiện. Vì thế, những hộ vừa trồng tiêu đen chết hàng loạt cũng hướng vào tìm hiểu. Ông Nguyễn Huy Quang, một nông dân ở H.Đăk Đoa có hơn 3.000 trụ tiêu đen bị chết, nói: “Tôi có tìm hiểu giống tiêu này. Với diện tích đất sẵn có, tôi có thể trồng khoảng 6.000 trụ. Đầu tư cũng chỉ bằng 2/3 hoặc một nửa tiêu đen. Nếu đầu ra ổn định nữa thì tốt quá. Sắp tới tôi sẽ liên hệ thêm ở các nơi. Có đầu ra ổn định là tôi trồng. Nhiều nông dân khác ở huyện này cũng có chung tâm trạng như tôi. Chủ yếu là tìm giống và quy trình canh tác theo cách tự phát là chính”.

Tuy nhiên, hiện thị trường cho loại tiêu này cũng chưa rõ ràng. Theo tôi biết tỉnh Gia Lai vẫn chưa có quy hoạch diện tích cho loại tiêu này

Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê

Cẩn trọng với tiêu lốt
Dù không ít hộ đã xuống giống, nhưng qua tìm hiểu thì nhiều nông dân thừa nhận họ vẫn chưa tiếp cận được với quy trình canh tác chuẩn, khả năng thích nghi thổ nhưỡng của loại tiêu này ở từng khu vực của Gia Lai cũng như các tỉnh Tây nguyên. Sự mù mờ này cùng quán tính đổ xô trồng theo tin đồn, cộng với đầu ra chưa rõ ràng có thể khiến nhiều nông dân ôm quả đắng với tiêu lốt. Hiện tại ở Chư Sê, Hợp tác xã sản xuất thương mại và dịch vụ nông nghiệp tiêu Chư Sê, đang đầu tư trồng thử nghiệm giống tiêu lốt. Nhưng theo ông Nguyễn Đức Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã, 30 xã viên mới trồng khảo nghiệm giống tiêu này với diện tích chưa đáng kể và cũng chưa rút ra được quy trình gì.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây hồ tiêu, nhìn nhận: “Đây là giống mới, chúng tôi chưa có một tài liệu chính thức nào. Nông dân cần thận trọng khi trồng loại tiêu này. Theo tôi tìm hiểu thì tiêu lốt cũng là một loại cây trồng để thu hoạch làm gia vị. Còn giá trị về mặt dược liệu hay gì đó thì còn phải nghiên cứu sâu hơn…”.
Tương tự, ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, cho biết: “Cây tiêu lốt mới manh nha ở tỉnh Gia Lai. Cũng là giống tiêu nhưng khác là quả của loại tiêu này hình thuôn dài, vị không cay bằng tiêu đen và có mùi thơm đặc trưng. Còn vấn đề ngoài dùng làm gia vị thì dược tính của nó như một số thông tin bên lề cần phải được nghiên cứu kỹ”.
Cũng theo ông Hoàng Phước Bính, về quy trình canh tác tiêu lốt cũng không khác tiêu đen là mấy. Nhưng mật độ trồng có thể lên đến 3.000 trụ/ha thay vì khoảng 1.700 trụ như tiêu đen. Trồng khoảng 6 tháng là có thu hoạch với năng suất 3 - 6 kg/trụ/năm. Tiêu lốt thu quanh năm. Với khí hậu của Tây nguyên thì khi thu hoạch vào mùa mưa cần phải sấy. Giá bán của tiêu lốt hiện dao động trong khoảng trên dưới 140.000 đồng/kg. “Tuy nhiên, hiện thị trường cho loại tiêu này cũng chưa rõ ràng. Theo tôi biết tỉnh Gia Lai vẫn chưa có quy hoạch diện tích cho loại tiêu này. Một số nơi đã có bán giống tiêu lốt với giá 15.000 đồng/cây. Nói chung, nếu muốn trồng đại trà thì nông dân cần phải tìm hiểu kỹ đầu ra, giá thành kẻo lại ôm nợ như một số loại cây trồng khác”, ông Bính khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.