Doanh nghiệp khai khoáng dai dẳng nợ thuế

23/12/2017 08:32 GMT+7

Đáng lẽ phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản rồi mới khai thác, một số doanh nghiệp khai khoáng tại Quảng Trị lại khai thác trước nhưng ì ạch trả tiền...

Câu chuyện này chỉ vừa “ồn ào” mấy ngày gần đây tại Quảng Trị, trong cuộc họp HĐND tỉnh có đại diện Chi cục Thuế công bố thông tin 6 doanh nghiệp (DN) đang nợ hơn 11,2 tỉ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tính đến hết tháng 11.2017. Đây là khoản tiền mà lẽ ra DN phải nộp ngay từ khi bắt đầu khai khoáng.


Hụt thu thuế
Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Trị, tính đến giữa tháng 12.2017, thu ngân sách nhà nước tại Quảng Trị là 1.882 tỉ đồng, chỉ đạt 88%. Ông Lê Trọng Lưu, Cục phó Cục Thuế tỉnh, cho rằng do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều công ty, đơn vị hụt thu thuế (Công ty xăng dầu Hưng Phát chỉ nộp 119 tỉ đồng tiền thuế trong khi chỉ tiêu năm là 200 tỉ đồng, Công ty gỗ MDF nộp 17 tỉ đồng trong khi chỉ tiêu nộp 50 tỉ đồng, TP.Đông Hà “hụt” 10 tỉ đồng, khối viễn thông “hụt” 15 tỉ đồng...). Tại Quảng Trị, do quy mô DN nhỏ nên trong số 2.800 DN chỉ có 1.033 DN phát sinh thuế.


Theo thông tin do PV Thanh Niên thu thập, thời điểm cuối tháng 7.2017 có 10 DN khai khoáng nợ tiền. Nhưng sau 5 tháng, trước sự “tiếp cận” liên tục của ngành thuế, 4 DN đã hoàn thành nghĩa vụ thuế (gồm Công ty TNHH Minh Hưng, Công ty CP Thanh Tâm, Công ty TNHH phát triển khoáng sản Duy Tân, Công ty CP khai thác khoáng sản Hưng Phát Quảng Trị).
Trong khi đó, vài DN được cho là “có cố gắng trả nợ” tính đến tháng 12. Đơn cử, Công ty TNHH Thống Nhất (hoạt động khai thác titan tại xã Trung Giang) từng nợ hơn 941 triệu đồng hồi tháng 7.2017 hiện giảm xuống còn hơn 741 triệu đồng. Công ty CP Đầu tư và khoáng sản Vico Quảng Trị (hoạt động tại xã Hải Xuân, H.Hải Lăng) giảm khoản nợ 3,8 tỉ đồng xuống còn hơn 882 triệu đồng. Ba DN này được Bộ TN-MT cấp phép.
Ngành thuế đã “làm đủ cách”
Tuy nhiên, có 3 DN chẳng trả được đồng nào qua nhiều tháng, như Công ty CP phát triển khoáng sản 4 (hoạt động khai thác tại H.Đakrông, nợ hơn 5 tỉ đồng); Công ty CP khoáng sản Hiếu Giang hoạt động tại xã Gio Mỹ (H.Gio Linh) và xã Hải Dương (H.Hải Lăng) nợ 1,9 tỉ đồng; Công ty CP đầu tư BKG hoạt động tại H.Gio Linh nợ 1,8 tỉ đồng. Công ty BKG có giấy phép do UBND tỉnh Quảng Trị cấp, 2 DN còn lại do Bộ TN-MT cấp.
Theo trần tình của ông Lê Trọng Lưu, Cục phó Cục Thuế Quảng Trị, ngành thuế đã “làm đủ cách” với các đơn vị này nhưng vẫn chưa thu được tiền. Từ gửi thông báo đến các DN đến áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế (phong tỏa tài khoản, đình chỉ sử dụng hóa đơn), nhưng vẫn vô hiệu.
“Thậm chí, đối với Công ty CP phát triển khoáng sản 4 có trụ sở ở Nghệ An, chúng tôi cũng đã lặn lội ra Nghệ An phối hợp với cơ quan thuế tỉnh bạn để giải quyết nhưng công ty này vẫn không chịu nộp tiền. Đây là đơn vị nợ nhiều nhất”, ông Lưu phân trần.
Nhiều lãnh đạo địa phương đã tỏ ra bất bình trước những khoản nợ hết sức vô lý của các công ty khai khoáng. Ông Phạm Đình Lợi, Phó chủ tịch UBND H.Hải Lăng, nói: “Đối với các DN sản xuất thì việc nợ thuế còn hiểu được, chứ DN khai khoáng mà nợ thuế là không chấp nhận”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Văn Phụng, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Trị, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Quảng Trị, cũng đã có văn bản gửi Thường trực HĐND tỉnh đề nghị cơ quan chuyên môn, giải trình, làm rõ, biện pháp xử lý việc thu nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn trong thời gian tới.
Công ty CP Đầu tư và khoáng sản Vico Quảng Trị vẫn còn nợ hơn 882 triệu đồng ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.