Doanh nghiệp Mỹ lo ngại thỏa thuận của Tổng thống Trump với Trung Quốc

16/04/2017 08:00 GMT+7

Các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để giải quyết các vấn đề thương mại gai góc có thể chỉ mang lại những kết quả hời hợt.

Theo Business Insider, vài ngày sau khi cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với nhà lãnh đạo Trung Quốc kết thúc, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter của mình rằng Bắc Kinh sẽ có được một thỏa thuận thương mại tốt hơn nếu họ đồng ý với Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề hạt nhân ở Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các nhà quản lý doanh nghiệp của Mỹ lo ngại rằng việc Tổng thống Trump tập trung vào cách dùng thương mại để đổi lấy thỏa thuận chính trị có thể không phải là giải pháp tận gốc cho hàng loạt khó khăn kinh tế kéo dài hàng thập niên qua, đồng thời còn làm giảm lợi ích thương mại của nước này ở Đại lục.
James Zimmerman, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Mỹ không nên bị sử dụng như một “con chip thương lượng”. “Giao dịch thương mại của ông Trump để đổi lấy lợi thế đối với Triều Tiên là điều vô lý. Đó là một trong những kết quả công khai đầy hạn chế từ cuộc họp đầu tiên của nhà lãnh đạo hai nước tại Florida tuần vừa qua”, ông James Zimmerman nói.
Ông William Zarit, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Chamber, cho biết cuộc đàm phán Mỹ - Trung đáng ra cần phải ưu tiên hơn vào việc Tổng thống Trump hứa sẽ giải quyết sự mất cân bằng trầm trọng thương mại và tìm cách mở cửa thị trường Trung Quốc để cho nhiều hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp Mỹ đi vào hơn là những trao đổi hời hợt, thiếu trọng tâm.
“Chúng tôi muốn nói chuyện thẳng thắn với nhau hơn là có một cuộc chiến thương mại xảy ra. Nhưng có vẻ như các cuộc nói chuyện như thế này đã diễn ra trong suốt 20 năm qua mà kết quả vẫn chưa đi đến đâu”, ông Zarit nói.
Theo Business Insider, trong khi các công ty cá nhân có quy mô nhỏ do dự và lo sợ khi đưa ra các phản ứng dữ dội, những nhà phê bình từ các nhóm kinh doanh lớn hơn của Mỹ không ngại buộc tội Bắc Kinh vì đã không công bằng và hạn chế đầu tư nước ngoài từ các công ty của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ví dụ, mặc dù Trung Quốc đã cam kết nâng cao khả năng sở hữu của các công ty bảo hiểm nước ngoài vào năm 2001, nhưng kết quả lại hạn chế thị phần của họ khoảng 6%. Không những thế, chính phủ Đại lục tuyên bố sẽ bỏ một số ngành ra khỏi danh sách hạn chế đầu tư, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài vẫn gặp phải rào cản về giấy phép kinh doanh.
Jacob Parker, Phó giám đốc Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc - Mỹ, cho biết ông lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tiếp tục không thực hiện theo như những cam kết thương mại mà họ đã đề ra. “Có rất nhiều lĩnh vực Trung Quốc cho rằng họ cởi mở, nhưng thực ra thì không phải”, ông Jacob Parker nói.
Hơn nữa, việc ông Tập Cận Bình đề xuất hợp tác và phát triển hơn nữa về cơ sở hạ tầng và các ngành công nghệ cao đang tạo ra thêm những mối lo lắng không chỉ về thương mại, mà còn trong chính trị và an ninh quốc gia.
“Nếu bạn nhìn vào các lĩnh vực mà Trung Quốc nói rằng họ đang mở cửa, như công nghệ, quản lý đầu tư, dầu khí hay bảo hiểm, bạn sẽ thấy tất cả đều là các khu vực mà Trung Quốc đang cần được giúp đỡ để họ cải thiện, phát triển ổn định và chuyên nghiệp hơn”, James McGregor, Chủ tịch của APCO Worldwide, cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.