Đáng nói hơn, đề xuất này lại được sự ủng hộ của Bộ Công thương trong vai trò báo cáo tư vấn Chính phủ để đưa ra quyết định cuối cùng.
Nên để người dân có sự lựa chọn
Một vấn đề khó hiểu là trước đó, vào tháng 3, cũng chính doanh nghiệp (DN) này đề xuất cho “hồi sinh” xăng RON92 do kinh doanh xăng E5 không hiệu quả. Anh Nguyễn Khoa, trưởng đại diện của công ty thương mại Đài Loan, trụ sở tại đường Lê Lợi, Q.1, TP.HCM nói ngay, chiếc SH 125 của anh từng đổ vài lần xăng E5, nhưng sau thấy máy chạy không bốc nên đổi sang A95 đến nay. Anh Khoa nói: “Đại lý xe máy Liên Hiệp Thành ở Q.5 khuyên tôi đi xe phân khối lớn nên đổ xăng A95 cho bền máy. Xăng E5 phù hợp các xe phân khối nhỏ hơn. Việc khai tử xăng khoáng A95 là đẩy người dân vào thế không có sự chọn lựa nào khác, chẳng khác nào ép dân phải mua xăng E5”.
|
Khảo sát của PV Thanh Niên tại một số đại lý bán lẻ xăng cho thấy, một số người tiêu dùng còn e ngại về chất lượng xăng E5, song cũng không ít bạn trẻ chọn đổ xăng E5 vì giá rẻ hơn từ 1.200 - 1.800 đồng/lít tùy vùng. Cô Nguyễn Hà Khanh (Q.4, TP.HCM) cho biết, lần đầu tiên đổ xăng E5 cho chiếc Honda Lead, cảm giác máy xe không bốc, song sau đó quen và đến nay cô và bạn bè trong văn phòng ủng hộ dùng xăng E5 bởi tốt cho môi trường.
|
Ông Đặng Bá Long, Giám đốc Công ty TNHH phân bón Điền Trang, thông tin, chiếc ô tô Ford Focus của ông xưa nay dùng xăng A95. “Tôi không ngạc nhiên trước đề xuất của DN, do họ là những nhà kinh doanh, mọi kiến nghị nếu vì bảo đảm lợi ích cho DN cũng là điều dễ hiểu. Chỉ thấy lạ là Bộ Công thương lại tỏ ra ủng hộ đề nghị phi thị trường này và hứa chuyển lời tư vấn cho Chính phủ. Theo tôi, nên để hai loại xăng song song tồn tại và nhà nước muốn quản lý hãy điều tiết bằng giá. Quan trọng hãy để quyền lựa chọn dùng loại xăng nào cho người tiêu dùng. Bởi cho đến lúc này, chưa có hãng xe hơi nào công khai khuyên người tiêu dùng nên dùng xăng E5 cho sản phẩm của họ. Cũng chưa có cơ quan quản lý nào, cụ thể là Bộ KH-CN đưa ra danh sách loại xe nào nên dùng xăng E5, loại nào nên dùng A95... Đã không làm được việc đó, nhà nước để cho dân có sự lựa chọn. Bởi trong thế giới phát triển công nghệ thông tin, người tiêu dùng không đến nỗi kém thông minh như ta vẫn ngộ nhận”, ông Long phân tích.
Khai tử loại xăng đang chiếm gần 60% thị phần
Là người ủng hộ chính sách phát triển dòng sản phẩm xăng sinh học E5 từ lâu, nhưng trước đề nghị khai tử xăng khoáng A95, chuyên gia năng lượng PGS-TS Nguyễn Lê Ninh không đồng tình và nói thẳng: Đây là đề xuất mang tính thương mại, nếu Bộ Công thương đồng ý là chiều theo lợi ích thương mại của DN chứ không vì lợi ích và quyền chọn lựa của người dân. “Nên nhớ một điều rất cơ bản là có nhiều dòng xe cũ đang lưu hành tại VN cần dùng xăng khoáng không chứa ethanol. Lý do có những miếng roăng bằng cao su trong máy xe được làm bằng cao su lưu hóa sẽ không phù hợp dùng xăng sinh học do loại cao su này không chịu nổi sự bào mòn của chất ethanol. Đổi lại, chất cao su ni-tơ-rin tăng cường độ đàn hồi cao không ngại chất cồn ethanol, sẽ rất phù hợp dùng xăng E5”, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh nói.
tin liên quan
Người tiêu dùng đề nghị không bỏ xăng A95Đề xuất này càng trở nên khó hiểu hơn khi theo báo cáo của Bộ Công thương, tỷ lệ tiêu thụ xăng A95 đang chiếm tới 58%, còn xăng E5 chỉ 42% trong 2 tháng đầu năm. PGS-TS Huỳnh Quyền, Đại học Bách khoa TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM) đặt vấn đề: Quyết định chọn khai tử A95 trong thời điểm kinh doanh xăng E5 chưa thành công là điều khó hiểu. Đề xuất bỏ xăng A95 thay thế bằng E5 đáng lẽ ra phải xuất phát từ sự thành công của E5 chứ sao lại từ sự chưa thành công như mong đợi của nhiên liệu sinh học này. "Việc muốn khai tử xăng A95 là vội vàng và thiếu thận trọng, nếu không nói là nguy cơ thiếu bền vững cho nhiên liệu ethanol về lâu dài. Nên có cuộc khảo sát các chủ phương tiện đang lưu thông, các nhà sản xuất, nhập khẩu liên quan việc sử dụng nhiên liệu xăng tại VN trước việc có nên tiếp tục lưu hành xăng A95 hay không, có nên thay thế hoàn toàn xăng sinh học lúc này hay không", ông Quyền góp ý.
|
"Chơi sang" nguyên liệu sẽ khó bền
Có một thực tế là nguyên liệu dùng phối trộn xăng E5 là ethanol, song nguyên liệu để sản xuất ethanol tại VN đang tăng giá mạnh. Giá sắn (nguyên liệu để sản xuất cồn ethanol - PV) trong nước đang tăng mạnh, đến 2.000 đồng/kg trong vòng 10 tháng qua. Hiện tại VN chỉ có một công ty duy nhất là Tùng Lâm cung cấp nguồn ethanol cho các DN phối trộn.
Tại cuộc họp Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết đã yêu cầu Công ty Tùng Lâm và một số nhà máy sản xuất ethanol khác phải giảm giá tối đa, hợp lý chi phí đầu vào. Nhưng ông Nguyễn Lê Ninh cho là không nên yêu cầu DN phải giảm giá mà phải để thị trường quyết định.
tin liên quan
Kiến nghị 'khai tử' xăng A95, chỉ xài xăng E5Với quan điểm phải có hai loại xăng song song tồn tại, ông Đặng Bá Long nêu vấn đề cần giải quyết với bài toán xăng sinh học tại VN là lấy nguồn thu từ phí môi trường thu từ xăng A95 bù cho xăng E5, bù cho những nhà sản xuất biết đầu tư công nghệ sử dụng phế phẩm nông nghiệp để làm ra ethanol.
Chênh lệch về giá sẽ tốt cho người tiêu dùng, họ sẽ tự đưa ra chọn lựa cho chính mình. Từ đó, tạo công ăn việc làm, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, nhất là những người ngoài trồng sắn cũng có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất cồn cho thị trường. “Giải pháp điều khiển thị trường bằng mệnh lệnh hành chính hoặc “phế truất” một sản phẩm đang tốt, đưa sản phẩm đang gặp khó khăn tiêu thụ là quá chủ quan và không phù hợp thực tế”, ông Long nhấn mạnh.
Bình luận (0)