Số lượng xe tăng nóng
Từ năm 2010, do số lượng xe taxi hoạt động trên địa bàn TP.HCM đã vượt quá mức dự kiến trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải nên TP đã “chốt” lượng taxi. Tính đến hết năm 2016, số lượng taxi vẫn được kiềm chế ở mức ổn định với 11.060 xe. Sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng taxi từ tháng 1 - 10.2016 là 206 triệu lượt khách, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2015.
|
Tại buổi chủ trì cuộc họp với lãnh đạo sở ngành, quận huyện bàn giải pháp chống kẹt xe diễn ra ngày 27.12.2016, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, đối với taxi truyền thống, thành phố đang quản lý được. Thế nhưng với các loại hình xe hợp đồng điện tử như Grab hay Uber, hiện phát triển với số lượng rất lớn nhưng khó quản lý, ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề giao thông của thành phố, cần phải chấn chỉnh ngay.
Thạc sĩ Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở GTVT TP.HCM, đánh giá: “Đang có sự mâu thuẫn giữa chủ trương khống chế số lượng taxi và sự bùng nổ của xe hợp đồng điện tử. Cấm cái này nhưng lòi cái kia”. Theo ông Lê Trung Tính, ô tô chở khách theo hợp đồng điện tử như Uber, Grab… là mô hình kinh doanh mới, luật nước ta từ trước đến nay chưa có quy định nên hiện vẫn đang thí điểm. Thế nhưng với taxi, nhiều năm nay chính quyền TP.HCM đã chủ trương khống chế số lượng do TP đang quá tải hạ tầng, không có bãi đậu, thiếu diện tích mặt đường... Nay, cho Grab, Uber... phát triển thoải mái về số lượng thì đồng nghĩa với việc phá vỡ quy hoạch taxi.
Trách nhiệm thuộc ngành giao thông
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng quy hoạch taxi tại TP.HCM bị phá vỡ, trách nhiệm chính và trước hết thuộc về Sở GTVT, vì đây là cơ quan có trách nhiệm theo dõi vấn đề này. Nếu nhận thấy số lượng xe hợp đồng điện tử thí điểm tăng quá nhiều, quá nóng, gây ảnh hưởng đến giao thông TP, sở này phải tham mưu ngay cho lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo Bộ GTVT để khống chế số lượng đầu xe chứ không thể để tăng lên hơn 15.000 xe như hiện nay. Theo ông Phạm Sanh, quyết định của Bộ GTVT cũng mới ở mức độ cho thí điểm xe chở khách dưới 9 chỗ theo dạng hợp đồng điện tử, chứ chưa chính thức, nên có thể điều chỉnh những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện.
Ông Lê Trung Tính cũng cho rằng trách nhiệm giải quyết vấn đề này không ai khác, trước hết thuộc ngành giao thông. Lẽ ra Sở GTVT nên tổ chức nghiên cứu, mời các chuyên gia vận tải công cộng tham gia. Nếu thấy vượt thẩm quyền nên báo cáo ngay cho Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT, vì hợp đồng điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm.
“Điểm yếu của ngành giao thông TP.HCM là thiếu nhìn xa trông rộng, thiếu những chuyên gia nghiên cứu sâu vấn đề giao thông. Đã 3 - 4 nhiệm kỳ giám đốc Sở GTVT, nhiệm kỳ nào cũng nói 5 năm sau kẹt xe sẽ hết nhưng thực tế ngày càng kẹt xe nghiêm trọng hơn”, ông Lê Trung Tính nói.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông - Trường đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng: “Thực ra các loại xe chở khách dưới 9 chỗ ngồi theo hợp đồng điện tử như Uber, Grab hoạt động không khác gì taxi. Trong khi chủ trương và yêu cầu ngay từ ban đầu của UBND TP.HCM là hạn chế số lượng taxi. Vì vậy không nên phát triển số lượng xe hợp đồng điện tử nữa”. Theo ông Phạm Xuân Mai, thí điểm kiểu này sẽ khiến xe hợp đồng điện tử tại TP tăng lên rất nhiều. Mà thực chất có thí điểm hay không thí điểm, thì các loại xe này vẫn hoạt động cũng như taxi. Số lượng hơn 26.000 xe hoạt động như taxi tại TP.HCM hiện nay là quá lớn.
“Với khoảng 10 triệu dân, theo tôi TP.HCM chỉ cần khoảng 10.000 taxi với tiêu chuẩn khoảng 1.000 người/taxi. Còn hiện nay số lượng xe hoạt động như taxi đã vượt gấp đôi quy hoạch rồi”, ông Mai khẳng định.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng theo quy luật cung cầu, đường sá (cung) đang quá hạn chế, trong khi cầu lại quá cao. Vì vậy, trong khi chưa tăng phần cung lên được thì phải tìm cách giữ nguyên hiện trạng phần cầu, hoặc không cho tăng quá mức. Nếu không làm được việc này, tình hình giao thông sẽ rối loạn, không kiểm soát được. PGS-TS Hồ Thanh Phong đề nghị: “Phải tổ chức hoạch định, điều phối, sắp xếp lại các loại phương tiện giao thông. Nếu không, với thực trạng hiện nay, giờ cao điểm TP.HCM sẽ không còn đường đâu để đi. Người dân thấy rằng đi taxi vào giờ cao điểm cũng là thảm họa”.
Tốc độ lưu thông giảm
Theo Sở GTVT TP.HCM, tốc độ lưu thông trung bình khu vực trung tâm thành phố (kết quả theo dõi từ hệ thống dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình trên xe buýt) trong tháng 12.2016 tiếp tục giảm so với tháng 11. Cụ thể, giờ cao điểm sáng là 19 km/giờ (giảm 9,5%), giờ cao điểm buổi chiều 18 km/giờ (giảm 5,2%), giờ thấp điểm 20,9 km/giờ.
Trong khi đó, lượng phương tiện giao thông tiếp tục tăng, tính đến ngày 15.11.2016, TP đang quản lý 7.857.088 phương tiện (trong đó 615.395 ô tô, 7.241.693 mô tô), tăng 5,89% so với cùng kỳ 2015 và tăng 60,8% so với cuối năm 2010. Đó là chưa tính hơn triệu phương tiện mang biển số các tỉnh đang lưu thông trên địa bàn thành phố.
|
Bình luận (0)