'Hái ra tiền' từ những luống rau trồng trên cát

20/02/2017 13:05 GMT+7

Những luống rau cải, mướp đăng, măng tây… đã phủ xanh cồn cát trắng ven biển Hà Tĩnh, không chỉ chống sa mạc hóa mà còn giúp bà con nông dân có thu nhập cao và ổn định.

Đây là kết quả của dự án “Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển” do Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh (Mitraco Hà Tĩnh) phối hợp với Sở NN-PTNT Hà Tĩnh triển khai từ hơn 3 năm trước. Ấn tượng lớn nhất khi chúng tôi ghé thăm “đại bản doanh rau sạch” trồng trên cát ở H.Thạch Hà (Hà Tĩnh) là màu xanh ngút ngàn của những cánh đồng rau nối tiếp nhau; việc tưới nước, bón phân đều do hệ thống tự động đảm trách.
Ông Nguyễn Xuân Hỷ, Phó trưởng ban dự án rau củ quả trên sa mạc cát của Mitraco Hà Tĩnh cho biết, sau khi khai thác tận thu titan, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu công ty phối hợp với Sở NN-PTNT trồng cây phủ xanh vùng đồi cát hoang hóa này. Ban đầu, 1 ha tràm được trồng thử nghiệm nhưng cây phát triển chậm, còi cọc nên phải tìm hướng đi mới. Đoàn cán bộ của công ty và ngành nông nghiệp đã ra nước ngoài tham quan, học tập mô hình trồng rau sạch trên sa mạc cát.
Cuối năm 2013, dự án trồng thử nghiệm 32 loại rau củ quả chịu nhiệt, chịu hạn tốt nhập giống từ Isarel, Hàn Quốc… “Chúng tôi tạo thành từng luống, rồi rải các thảm thực vật, rơm, bèo, lá cây khô và trộn thêm phân hữu cơ vi sinh để cải tạo ruộng. Các giống cây được ươm trong hệ thống nhà kính, sau 2 tuần thì đưa ra cấy trên luống. Nhờ trang bị hệ thống tưới phun tự động hiện đại nên cây sinh trưởng tốt trên cát”, ông Hỷ nói. Tuân thủ nghiêm ngặt các kỹ thuật, rau củ quả phát triển tốt, cho năng suất cao (củ cải nhỏ đạt 22 - 30 tấn/ha, cà rốt 8 - 10 tấn/ha, cà chua 10 - 12 tấn/ha…).

tin liên quan

Khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch
Tốt nghiệp Đại học Luật, sau 2 năm làm cho Tổ chức 'Nhịp cầu châu Á - Nhật Bản' (BAJ), Phạm Võ Văn Pháp cùng bạn là Võ Thái Long (H.Hoài Ân, Bình Định) chọn nông nghiệp sạch để khởi nghiệp.
Rau sạch xuất ngoại
Sau thành công này, Mitraco Hà Tĩnh hỗ trợ giống, cơ sở vật chất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân ở các vùng ven biển các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân. 18 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác trồng rau, củ quả trên cát đã được thành lập, nhanh chóng phủ xanh hơn 200 ha vườn tược bỏ hoang và những đồi cát ven biển.
Bà Nguyễn Thị Bảy, Chủ nhiệm HTX trồng rau Bắc Văn (xã Thạch Văn, H.Thạch Hà) cho biết, khi mới nghe về dự án, dân làng ai cũng hoài nghi bởi bao năm qua trên những bãi cát mênh mông, những người nông dân như bà chẳng thể canh tác được thứ cây gì. Nhưng từ ngày có dự án, người dân trong vùng đã “không cho cát nghỉ”, luân phiên gối vụ quanh năm, có được mức thu nhập cao và ổn định. “Trong năm 2015, HTX chúng tôi trồng được 3 vụ rau cải, củ cải, mướp đắng, cà rốt... trên diện tích 4 ha. Nhà nước cho thuê đất, hỗ trợ một phần chi phí, HTX chỉ bỏ ra 10 - 20 triệu đồng/ha nhưng lại có được thu nhập khoảng 100 - 200 triệu đồng/ha/vụ, tùy loại rau quả”, bà Bảy nói.
Theo ông Trần Việt Hà, Chủ tịch UBND H.Thạch Hà, mô hình cánh đồng rau củ quả trên sa mạc cát bạc màu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn 28 ha đất cát bạc màu ven biển được trồng rau sạch đang giúp 15 HTX và tổ hợp tác trồng rau trên cát với hơn 200 thành viên “hái ra tiền”. Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho biết, hiện đã có 14 loại rau củ quả trồng trên các vùng cát trên địa bàn được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Nhiều đối tác Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản đã khảo sát và các bên đang xúc tiến để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.