Hàng không ASEAN cạnh tranh khốc liệt

17/08/2016 11:13 GMT+7

Các hãng hàng không ASEAN đang cạnh tranh rất khốc liệt, khi nhu cầu di chuyển trong khu vực ngày càng được mở rộng.

Vietnam Airlines (VNA) vừa qua khai trương đường bay quốc tế mới Đà Nẵng - Bangkok (Thái Lan) với tần suất 4 chuyến/tuần bằng máy bay Airbus A321, thời gian bay 1 giờ 35 phút.
Liên tục mở đường bay mới
Với đường bay mới này, VNA nâng tổng số chuyến bay xuất phát từ Việt Nam tới Thái Lan lên 46 chuyến/tuần và có đường bao phủ gần như khắp cả khu vực. Hồi đầu tháng 6, hãng hàng không giá rẻ Vietjet chính thức kết nối TP.HCM với Kuala Lumpur (Malaysia). Chuyến bay khởi hành từ TP.HCM lúc 9 giờ 30 và đến Kuala Lumpur lúc 12 giờ 25 (giờ địa phương). Đây dĩ nhiên không phải là đường bay đầu tiên của Vietjet đến các quốc gia Đông Nam Á, bởi trước đó hãng đã bay hằng ngày 3 chuyến từ TP.HCM tới Bangkok; mỗi ngày 1 chuyến tới Singapore; mỗi tuần 5 chuyến đến Yangon (Myanmar). Ngoài ra, Vietjet cũng đã bay hằng ngày tới Bangkok từ Hà Nội.
Trong khi đó, các hãng hàng không khu vực cũng tấp nập mở đường bay vào Việt Nam. Dày đặc nhất là các hãng của Thái Lan. Cuối tháng 5.2016, Bangkok Airways khai trương đường bay trực tiếp nối Đà Nẵng với Bangkok 4 chuyến bay mỗi tuần. Nhiều năm trước, Hãng hàng không quốc gia Thái Lan là Thai Airways cũng đã hiện diện tại Việt Nam, mỗi ngày 2 chuyến bay đến Bangkok từ Hà Nội và 2 chuyến bay từ TP.HCM.
Nok Air, một hãng giá rẻ, bay đến Bangkok từ cả hai đầu TP.HCM và Hà Nội Reuters
Chưa hết, đại diện hàng không Thái Lan ở Việt Nam còn có Nok Air, một hãng giá rẻ, bay đến Bangkok từ cả hai đầu TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, khác với các hãng khác, Nok Air đáp chuyến bay ở sân bay Don Muang chứ không phải sân bay quốc tế Suvarnabhumi. Ngoài ra, để đến Bangkok, khách Việt còn có lựa chọn nữa là Hãng Thai Air Asia.
Air Asia có các chuyến bay từ TP.HCM tới Bangkok; Penang, Kuala Lumpur; từ Hà Nội tới Bangkok; từ Đà Nẵng tới Kuala Lumpur… Các hãng của Singapore cũng hoạt động mạnh mẽ ở thị trường Việt Nam khi có đại diện là Singapore Airlines, Tiger Air; Philippines thì có Philippines Airlines, Cebu Pacific Air; rồi Lao Airlines (Lào), Cambodia Angkor Air (Campuchia); Lion Air (Indonesia)…
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, hàng không trong khu vực ASEAN phát triển mạnh trong những năm vừa qua và cạnh tranh khá gay gắt, nhất là hàng không giá rẻ. “Các hãng đang cạnh tranh cả về chất lượng, giá cả và thời gian chờ làm thủ tục. Từ đó mang tới cho hành khách nhiều tiện ích, đặc biệt là giá vé giảm nhưng chất lượng tăng”, ông Sanh phân tích.
Tính chuyện bầu trời chung
Ông Sanh cho rằng, các hãng hàng không Việt Nam đang phát triển mạnh, nhưng chưa thể so được về giá cả hay chất lượng với các hãng hàng không khác trong khu vực. “Giả sử Việt Nam mở cửa thị trường hàng không nội địa (bay trong nước) cho nước ngoài khai thác, thì các hãng trong nước khó bề cạnh tranh với chất lượng, dịch vụ hiện nay”, ông Sanh nói.
Du khách tại bãi biển Nha Trang Vũ Phượng
Theo ông Sanh, các nước ASEAN đã chính thức bàn về việc mở cửa bầu trời, hay bầu trời mở ASEAN để tiến tới một thị trường hàng không ASEAN thống nhất. Trong bầu trời mở, các hãng được tự do tiếp cận thị trường, nghĩa là việc thiết lập đường bay, bay bao nhiêu chuyến, bay đến đâu... là do hãng quyết định dựa vào nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, giá được tự do áp theo điều tiết của thị trường chứ không do nhà chức trách phê duyệt. 
Tuy nhiên, việc tham gia bầu trời mở ASEAN tùy thuộc vào khả năng của mỗi quốc gia. Trước mắt Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Brunei đã phê duyệt các hiệp định và nghị định thư về bầu trời mở. Đây cũng là một trong số các nội dung của Cộng đồng chung ASEAN. Bầu trời mở ASEAN đem lại cho hành khách nhiều thuận lợi, nhất là việc lựa chọn nhiều hãng hơn, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ...
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng thị trường hàng không Việt Nam còn rất tiềm năng. Trong nước còn rất nhiều đường bay chưa khai thác. “Theo tôi hiện chỉ khai thác 20% tiềm năng hàng không Việt Nam mà thôi. Đối với các đường bay quốc tế, khách nước ngoài đến Việt Nam mới 8 - 9 triệu lượt là chưa ăn thua gì. Việt Nam sẽ thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế trong 10 năm tới và đó là cơ hội lớn cho các hãng hàng không khai thác. Tốc độ phát triển du lịch hiện nay sẽ kéo theo hàng loạt hãng hàng không nước ngoài vào Việt Nam”, ông Bình nhận định.
Các hãng bay càng nhiều thì sự cạnh tranh càng quyết liệt, người bay được hưởng lợi nhiều, tránh được độc quyền. “Hiện lượng khách du lịch Việt Nam đi các nước Đông Nam Á nhiều hơn khách tất cả các nước Đông Nam Á đi du lịch Việt Nam. Đó là nghịch lý. Như vậy là không cân bằng. Thế nên cần có nhiều hoạt động du lịch hơn nữa để hút khách ngay từ Đông Nam Á sang Việt Nam cho cân bằng”, ông Bình nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.