Vấn đề mang tính sống còn đối với bất kỳ DN nào là cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Nói nôm na, nếu cùng "vạch xuất phát" (vốn, lãi suất, điều kiện thị trường...), các DN luôn phải cạnh tranh khốc liệt về giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi... để giữ và mở rộng thị phần. Từ khi hội nhập kinh tế, cuộc cạnh tranh giữa DN trong nước với DN nước ngoài, với hàng nhập khẩu... ngay tại thị trường nội địa, vẫn được cho là không cân sức.
Đa phần DN nội địa đều nhỏ cả về quy mô, vốn, công nghệ cũng như kinh nghiệm so với các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty đa quốc gia. "Vũ khí" lớn nhất của DN nội địa là lợi thế sân nhà, sự am hiểu thị trường, thói quen tiêu dùng nội địa. Các DN đã, đang, vẫn nỗ lực "giữ nhà" bằng những vũ khí này. Nhưng những nỗ lực của họ có nguy cơ đổ xuống sông, xuống biển khi ngay chính sự tồn tại của mình cũng khó, thậm chí không giữ được.
Lãi suất cao, tiếp cận vốn khó khăn, chi phí đầu vào tăng, lạm phát... kéo dài từ năm này qua năm khác đã bào mòn sức khỏe ngay cả những thương hiệu lớn nhất, mạnh nhất. Số lượng DN phá sản, chờ giải thể, ngưng hoạt động ngày càng tăng trong khi giải pháp vẫn đủng đỉnh, vẫn chỉ mang tính "động viên". Nên nguy cơ mất thị trường là điều có thể dự báo.
Hãy tự đặt câu hỏi, với gần 50.000 DN phá sản trong năm 2011 và trên 51.000 DN ngưng hoạt động, chờ giải thể trong 6 tháng đầu năm nay, có bao nhiêu công ty nước ngoài, bao nhiêu sản phẩm ngoại nhập đã nhanh chân thay thế, đã tận dụng cơ hội để "lấp chỗ trống" tại thị trường nội địa? Chúng ta vẫn tự "trấn an" nhau rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ "cầm chân" các "đại gia" trên thế giới trong công cuộc thâm nhập thị trường nội địa. Nhưng trong thế giới phẳng này, các cuộc thôn tính đâu nhất thiết cần đến sự hiện diện? Họ hoàn toàn có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ vào VN nếu thị trường hé lộ những mảng trống.
Đó là lý do, trong suốt quãng thời gian kinh tế khó khăn vừa qua, chúng ta vẫn nghe rất nhiều chuyện đại loại như thương hiệu này, dịch vụ kia, sản phẩm nọ... lần đầu tiên có mặt tại VN. Rõ ràng thị trường trong nước khó khăn? Rõ ràng là sức mua đang giảm sút, tại sao họ vẫn đến? Có thể nói, một phần không nhỏ trong những lý do cho sự có mặt của họ là cơ hội từ sự "buông tay" của các DN trong nước. Đó là chưa kể, các công ty nước ngoài đã có mặt tại VN cũng tận dụng tối đa sự khó khăn của DN trong nước để mở rộng quy mô, chiếm thị trường.
Khó khăn của người này là cơ hội của người kia, điều này vẫn luôn luôn đúng nhưng tại thời điểm này, nó còn trở nên nguy hiểm. Khó khăn của các DN trong nước đang tạo cơ hội lớn cho các DN, thương hiệu nước ngoài chiếm thị trường nội địa. Vấn đề không còn dừng lại ở vấn đề ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế như chúng ta nói, hơn 500.000 DN trong nước và gần 90 triệu dân đang chờ những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, các bộ ngành, các cơ quan có thẩm quyền để giữ thị trường nội địa trước khi quá muộn.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)