Từ những phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang và có địa vị xã hội, họ bằng lòng trở thành hậu phương vững chắc để chồng an tâm cống hiến cho môn thể thao vua.
Những người vợ hiền
Chàng tiền vệ có chân trái kỳ diệu Shunsuke Nakamura (1978) có chuyện tình đẹp với Manami Imai (1979). Sau khi kết hôn với Nakamura, Imai đã rút khỏi giới văn nghệ sĩ mà cô tích cực hoạt động với vai trò người mẫu và nghệ sĩ hài của show truyền hình buổi sáng Mezamashi Terebi, Đài Fuji. Cô lui về làm việc cho một tiệm chăm sóc thú cưng chỉ để có nhiều thời gian hơn chăm lo cho chồng con.
Đến nay cô đã sinh cho Nakamura bốn đứa con xinh xắn. Năm 2005, Nakamura chuyển đến chơi cho CLB Celtic của Scotland - nơi được xem là chiến trường của những gã to xác. Thời gian đầu Nakamura bị “khớp” và thi đấu không thành công, nhưng được vợ ủng hộ về mặt tinh thần, anh tiếp tục trụ lại và tỏa sáng ở đấu trường này, chinh phục khán giả Scotland bằng chân sút trái điệu nghệ của mình.
Cựu tuyển thủ đội tuyển Nhật Bản Atsushi Yanagisawa (1977) cũng may mắn có được một người vợ giàu đức hi sinh là người mẫu Yukari Obata (1979). Sau lễ cưới vào đúng đêm Noel năm 2003, tuyển thủ Yanagisawa chuyển sang chơi cho CLB Sampdoria (2004-2005) và Messina Peloro (2005-2006) để thi đấu giải Seria A.
Obata theo chồng sang tận nước Ý, mỗi tháng chỉ trở về Nhật một lần để theo đuổi sự nghiệp người mẫu. Sau khi trở về Nhật hồi tháng 5-2010, cô đã sinh cậu con trai đầu lòng cho Yanagisawa ở tuổi 30. “Niềm hạnh phúc khi ôm đứa con của mình vào lòng cả đời tôi sẽ không quên”, Obata viết trên blog của mình sau đó.
Còn ở Hàn Quốc, người ta vẫn ca ngợi gia đình chàng tiền đạo điển trai Ahn Jung Hwan (1976) như hình mẫu lý tưởng về hạnh phúc ở quốc gia này. Ahn Jung Hwan được người hâm mộ môn thể thao vua ưu ái gọi là “chúa nhẫn” bởi sau mỗi pha ghi bàn, anh đều hôn lên chiếc nhẫn cưới của mình. Chiếc nhẫn cưới ấy là chứng nhân cho mối tình giữa anh và cựu hoa hậu Hàn Quốc năm 1998 Lee Hye Won.
Từng chuyển đến thi đấu cho các CLB của Nhật và Ý, Ahn bảo khó khăn nhất với một người sống xa xứ là ngôn ngữ và thức ăn. Ahn đã từng phải khổ luyện tiếng Ý để dễ dàng hòa nhập với đội của mình. Theo tờ web-japan.org, sự sát cánh của người vợ đã làm cho cuộc sống của Ahn ở nước ngoài trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Khi Ahn ăn tối cùng với đồng đội, vợ anh cũng đi cùng mà theo như lời Ahn giải thích: “Vợ chồng tôi luôn tương trợ lẫn nhau”.
Vì họ là phụ nữ Á Đông
PGS.TS Nguyễn Tiến Lực, trưởng bộ môn Nhật Bản học - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM - cho rằng không chỉ ở Nhật Bản mà ở hầu khắp các nước châu Á, sự thành đạt của những người đàn ông đều có công lao to lớn của những phụ nữ, đặc biệt là người vợ. “Còn ở Nhật Bản điều đó là hiển nhiên, không cần phải bàn đến nữa!”, ông Lực nhấn mạnh.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - nguyên trưởng khoa văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM - cho biết đức hi sinh là đức tính điển hình ở hầu hết phụ nữ Á Đông truyền thống. Theo GS, ở phương Đông, người đàn ông muốn “làm nên trò trống gì” phải bắt nguồn từ gia đình ổn định, mà điều đó có được là nhờ vào tài vun vén của người phụ nữ. “Tư duy của đàn ông là kiểu tư duy phân tích, làm việc gì chỉ chăm chăm một việc. Trong khi đó người phụ nữ có tư duy tổng hợp, có thể bao quát nhiều công việc cùng một lúc”, GS phân tích.
Ông cũng lưu ý không nên hiểu hai chữ “hi sinh” của người phụ nữ Á Đông ở góc độ thiệt thòi, cam chịu bởi: “Họ muốn được chăm lo cho chồng con của mình và tìm thấy niềm vui trong công việc đó”.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)