Khởi sắc miền Trung

01/01/2018 09:25 GMT+7

Nhiều tín hiệu lạc quan được các địa phương miền Trung gửi đi ngay từ đầu năm mới 2018, với kỳ vọng thúc đẩy kinh tế “cất cánh”...

Chuyển động ở thành phố “đầu tàu”
Đà Nẵng xác định năm 2018 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, chủ đề này đã được Thành ủy Đà Nẵng thống nhất thông qua tại hội nghị lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2015 - 2020) hôm 1.12.2017. Trong đó, có mục tiêu thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp; chú trọng phát triển các ngành kinh tế then chốt và có khả năng cạnh tranh, nhất là các lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao, CNTT và công nghệ cao…
Năm 2017, TP.Đà Nẵng cấp phép đầu tư cho 20 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 25.000 tỉ đồng, nâng tổng số hơn 3.000 dự án đầu tư trong nước (97.000 tỉ đồng). Thu hút đầu tư FDI trên địa bàn TP tiếp tục khởi sắc với tổng vốn đăng ký 111,9 triệu USD, tăng hơn 6,5 lần so với năm 2016. Có 5 dự án ODA (314 triệu USD) và 546 dự án đầu tư FDI (3 tỉ USD), dẫn đầu là Singapore, xếp sau đó có Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Theo ông Đặng Việt Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tổ chức thành công đã mở ra cơ hội lớn để quảng bá TP hình ảnh, xúc tiến đầu tư và địa phương xác định phải tranh thủ cơ hội để thu hút đầu tư.
Về giải pháp, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các sở, ngành chủ động liên hệ, kết nối chặt chẽ với các tập đoàn, doanh nghiệp đã tham dự các hoạt động tại APEC cũng như Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch. TP triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại diễn đàn này, đồng thời chỉ đạo phát triển ngành du lịch theo hướng văn minh, dịch vụ chuyên nghiệp; khuyến khích đầu tư các trung tâm thương mại; nghiên cứu phương án đầu tư chợ Hàn, chợ Cồn kết hợp chỉnh trang đô thị theo hướng xã hội hóa; tiếp tục triển khai các tuyến phố chuyên doanh... TP cần chú trọng kêu gọi, đầu tư, khai thác hiệu quả các KCN, CNTT tập trung, công nghệ cao; khuyến khích đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch...
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chia sẻ, tại hội nghị cuối năm 2017 có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng qua phân tích, Thành ủy thống nhất chọn chủ đề cho năm 2018 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”. “Chúng tôi xác định nếu không đẩy mạnh thu hút đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng thì khả năng nâng cao quy mô nền kinh tế và để Đà Nẵng trở thành đầu tàu của khu vực miền Trung - Tây nguyên sẽ rất khó khăn”, ông Dũng nói.
Không thu hút đầu tư bằng mọi giá
Năm 2018, Quảng Nam đề ra mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh tăng từ 8 - 8,5% so với năm 2017. Để đạt được con số này, trao đổi với Thanh Niên, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết đã đề ra hàng loạt giải pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh.
Năm 2018 cũng là năm Quảng Nam kỷ niệm 15 năm thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai. Hiện đã có 100 doanh nghiệp (DN) đầu tư vào đây và tỉnh tiếp tục thu hút thêm nhiều nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hạ tầng… để phục vụ yêu cầu 6 nhóm dự án trọng điểm vùng đông, trong đó có Khu kinh tế mở Chu Lai (đóng góp trên 70% cho ngân sách tỉnh). “Thaco đóng vai trò rất quan trọng. Năm 2018, lãnh đạo tỉnh đề nghị DN tăng quy mô sản xuất, mở rộng ngành hàng, tăng sản lượng, chuyển dịch theo hướng nhiều thương hiệu ô tô, giữ lao động, tăng trưởng sản xuất, giữ thu ngân sách như những năm qua”, ông Thu nhấn mạnh và cho rằng tỉnh sẽ rà soát chặt chẽ, cân nhắc kỹ càng: “Tất cả các dự án nhạy cảm, ảnh hưởng đến môi trường đều phải được báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi nhà đầu tư vào. Trên cơ sở đó mình lựa chọn nhà đầu tư, chứ không bất chấp tất cả”.
Xưởng ô tô bus của Thaco, doanh nghiệp “đóng vai trò quan trọng” tại Quảng Nam ẢNH: HỮU TRÀ
Để có quỹ đất thu hút đầu tư vào vùng đông, việc sắp xếp dân cư hết sức quan trọng. “Đó là mục tiêu ưu tiên số một để ổn định cuộc sống người dân. Quảng Nam đang tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng để người dân an cư trong điều kiện tốt nhất”, ông Thu nói thêm. tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dự kiến hoàn thành tháng 6.2018 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Quảng Nam đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đông - tây, nam - bắc và hấp dẫn nhà đầu tư.
“Năm 2018, Quảng Nam nỗ lực giữ chỉ số CPI trong tốp 10 và đầu tư nâng chất lượng cho hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông. Các trung tâm hành chính công sẽ mở thêm ở TP.Hội An, TP.Tam Kỳ và TX.Điện Bàn, đến năm 2019 hoàn thành ở các huyện còn lại để giảm tối đa thủ tục hành chính cho người dân và DN theo tinh thần một cửa tại chỗ”, ông Thu khẳng định.
Thừa Thiên-Huế: Nhiều nhà đầu tư lựa chọn
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết để đẩy mạnh thu hút đầu tư, năm 2018 Thừa Thiên-Huế sẽ tập trung phát triển du lịch, dịch vụ và đẩy mạnh cải cách hành chính hướng đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích phát triển công nghiệp, công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 7,5- 8,0%, tổng đầu tư toàn xã hội đạt 20.000 tỉ đồng. Cuối năm 2017, Thừa Thiên-Huế đã thu hút gần 70 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 10.000 tỉ đồng.
“Một tín hiệu tốt là hiện tại trên địa bàn có khoảng 700 DN hoạt động, tăng 4,7%, tổng vốn đăng ký hơn 6.500 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần năm 2016. Ngoài ra, 350 DN, tập đoàn mở chi nhánh gồm các nhà đầu tư lớn như EcoPark, Vingroup, BRG. Tập đoàn Banyan Tree có kế hoạch đầu tư mở rộng dự án Laguna, nâng tổng vốn đầu tư lên 2 tỉ USD. Khoảng 200 DN đã hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngưng”, ông Cao nói.
Quảng Trị: Kỳ vọng lĩnh vực năng lượng
Điện gió tại xã Hướng Linh (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Năm 2017, Quảng Trị thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gia tăng tần suất, nâng cao chất lượng với 48 dự án được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký 4.789 tỉ đồng, trong đó có một số dự án lớn như: Nhà máy điện gió Hướng Phùng 1, thủy điện La Tó, thủy điện Hướng Phùng... Vì thế, trong năm 2018, tỉnh Quảng Trị tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp. Dự kiến, năm 2018 có khoảng 340 DN được thành lập mới, phấn đấu 100% DN tiếp cận với mạng thông tin quốc gia. Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho hay tỉnh sẽ có chương trình hành động riêng để tạo môi trường thuận lợi cho các DN phát triển, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp để huy động tối đa nguồn lực địa phương và định kỳ đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Theo ông Chính, Quảng Trị đặc biệt kỳ vọng vào các dự án về năng lượng đã, sẽ triển khai trong thời gian tới gồm: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị do Tập đoàn điện lực quốc tế Thái Lan (EGATI) đầu tư tại khu kinh tế Đông Nam, hệ thống nhà máy điện gió của Công ty Tân Hoàn Cầu tại H.Hướng Hóa...
Bùi Ngọc Long - Nguyễn Phúc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.