Tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Hồ Đức Thiện cũng mất một quãng thời gian loay hoay đi xin việc. Nhưng với thu nhập èo uột, sau gần 1 năm “bám trụ” nơi thành phố, Thiện quyết định trở về quê lập nghiệp. Một lần tình cờ tiếp cận thông tin về mô hình trồng nấm bào ngư hiệu quả của người dân ở miền Trung, Thiện tâm đắc và quyết định gầy dựng nông trại nấm bào ngư trên mảnh vườn quê.
Thời gian đầu triển khai xây dựng mô hình trồng nấm, cũng như nhiều người trẻ khác mới “dấn thân” vào nghề, Thiện gặp khá nhiều trở ngại. Ươm mẻ nấm bào ngư đầu tiên với hơn 1.000 bịch phôi, đang trong thời kỳ sinh sôi bỗng dưng chết dần, “cú vấp” đầu tiên khiến anh trắng tay. Nhưng không chịu “đầu hàng” trước cây nấm, hằng ngày Thiện lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu trong sách vở rồi ngược xuôi vào nam ra bắc để học hỏi kinh nghiệm thực tế…
|
|
Thiện cho biết “sức khỏe” nấm cũng đỏng đảnh, mỗi năm có một loại dịch bệnh khác nhau đe dọa, thay đổi theo sự dịch chuyển của thời tiết. Bệnh của nấm lại có tính lây lan rất cao, khi phát hiện một bịch nấm bị mốc thì cần nhanh chóng xử lý và cách ly. Nếu không, nó sẽ lây lan ra cả trại, khi ấy thiệt hại sẽ rất lớn. “Để thành công với cây nấm, trước tiên mình phải am hiểu nó và có đầy đủ kinh nghiệm trong khâu chăm sóc”, Thiện chia sẻ.
Bên cạnh việc bán nấm, Thiện còn cung cấp phôi giống cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh, mỗi năm từ 4.000 - 5.000 bịch phôi giống. Thiện còn tận dụng nguyên liệu tưởng chừng là thứ “phế phẩm” ở trại nấm nhưng sau khi ủ với men vi sinh lại cho ra nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Theo tính toán, nông trại nấm bào ngư vừa trồng, vừa sản xuất và cung cấp đã giúp Thiện thu về từ 250 - 300 triệu đồng/năm. Vừa qua, một công ty ở TP.Đà Nẵng đã trực tiếp đến trại nấm đặt hàng với số lượng 100 kg/ngày, mối “làm ăn” này giúp Thiện quyết định mở rộng nông trại để đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của thị trường.
Nông trại của anh không chỉ được kỳ vọng là nơi tạo công ăn việc làm cho nhiều người, mà còn có thể giúp nhiều bạn trẻ và một số người dân địa phương cùng tham gia phát triển mô hình trồng nấm bào ngư.
tin liên quan
Tự tạo cơ hội: Về miền Tây trồng nấmMột người đàn ông xứ Quảng vô TP.HCM làm giáo viên, sau đó về miền Tây lập trang trại trồng nấm và được nhiều người tôn vinh là 'vua nấm'.
Bình luận (0)