Dựa Trường Sa vượt bão giông

03/06/2012 03:00 GMT+7

Những cái tên đảo Song Tử Tây, An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn... (H.Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đã rất thân thuộc đối với của mỗi ngư dân của các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... Bởi nơi ấy đã che chở họ lúc giông bão, nơi để ngư dân cầu cứu mỗi khi gặp nạn, nơi cung cấp nước ngọt, thuốc men khi cạn kiệt… và cũng là nơi người ta thấy bóng dáng quê nhà trong những chuyến đi kéo dài trên đại dương bao la.

Có chuyện là nhờ bộ đội

Vừa nghe chúng tôi nhắc những hòn đảo thân thương của đất nước nằm giữa biển Đông, lão ngư Nguyễn Ngọc Tân (Tuy An - Phú Yên), người có hơn 15 năm đi câu cá ngừ đại dương, xúc động nói: “Không có các đảo thì ngư dân như tôi đây đã làm mồi cho cá mỗi khi gặp bão từ lâu rồi”. Nhấm nháp ly trà, ông Tân ngồi nhớ lại những ký ức: “Năm 2005, tàu chúng tôi có 10 thành viên đang câu cá ngừ trên vùng đảo Trường Sa thì nghe đài báo bão gấp nên kéo neo tìm chỗ ẩn nấp. Ai cũng thấp thỏm lo lắng. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, đảo Trường Sa Đông hiện ra trước mặt. Mọi người trên tàu mừng rơn, nhanh chóng báo hiệu vào đảo để xin được ẩn nấp. Mấy anh bộ đội nhiệt tình hướng dẫn tàu vào nơi trú ẩn an toàn. Rồi bão cũng kéo đến, cả bầu trời đen kịt, từng con sóng lớn đập vào mạn tàu, nước xối xả tràn vào tàu. Con thuyền lắc lư dữ dội, các thành viên trên tàu ra sức neo dây để chống chọi với bão. Sau hơn 5 giờ đồng hồ, bão qua đi thì mọi người đều lịm đi vì mệt. Sáng dậy, mặt biển  phẳng lặng, mặt trời đỏ rực ngay trên những ngọn cây phong ba, bàng vuông trên đảo. Lúc đó trong lòng tôi cứ đinh ninh thuyền đang cập cảng trên đất liền. Đến khi thấy các anh bộ đội tới hỏi thăm tình hình mới hiểu ra mình đang neo ở đảo, nhưng lòng vững chãi đến lạ”.

Dựa Trường Sa vượt bão giông 
Đảo Trường Sa lớn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Còn lão ngư Nguyễn Văn Năm (Đông Tác, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) ví von khi nhắc tới cái nghiệp “săn” cá ngừ đại dương gắn liền với biển cả mênh mông: “Thuyền là nhà, biển cả là quê hương. Trên biển đã có các anh bộ đội canh giữ từng ngày, còn ta cứ yên tâm đánh bắt trên ngôi nhà thân thương của mình”.

“Hết đồ ăn, hết nước ngọt, bệnh, tai nạn thì vô đảo nhờ mấy anh bộ đội giúp đỡ”, đó là suy nghĩ đầu tiên của nhiều ngư dân khi gặp phải những khó khăn giữa biển trời mênh mông. Ngư dân đánh bắt cá trên biển không may gặp nạn thì đảo luôn là ngôi nhà thân thương để nương tựa.

15 giờ ngày 16.4.2012, tàu cá BTH 98593 (Phú Quý, Bình Thuận) đang đánh bắt cá gần khu vực đảo Nam Yết thì thành viên Lê Đức Phong (27 tuổi) đau bụng vật vã. Nhận được tín hiệu cầu cứu của thuyền, Ban Chỉ huy đảo Nam Yết đã chỉ đạo đưa nạn nhân vào bờ cho quân y cấp cứu. Sau hơn 2 ngày cứu chữa tại đảo, anh Phong đã khỏi và tiếp tục lên tàu đánh bắt cá.

Ngày 25.3.2012, đảo Trường Sa Đông nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu Quảng Ngãi về việc ngư dân Phạm Năm trên tàu bị tai nạn dập ngón chân trái và đang trong quá trình phân hủy. Ngay sau khi vào đảo, quân y đã cắt bỏ ngón chân bị thương. Sau 7 ngày nằm điều trị, anh Năm đã trở lại thuyền tiếp tục công việc.

Không chỉ là nơi khám, chữa trị và cấp cứu mỗi khi ngư dân cần mà các đảo luôn sẵn sàng chia sẻ từng can nước ngọt, ký gạo để góp phần hỗ trợ ngư dân bám biển lâu dài. Ông Nguyễn Văn Chánh (P.6, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) kể lại: “Năm 2008, tàu tôi đi câu cá ngừ tại khu vực gần đảo Thuyền Chài, hơn 1 tháng mà chưa đủ chi phí để chạy vào bờ nên quyết bám trụ. Nước, gạo ngày càng cạn kiệt, chỉ còn vài gói mì ăn cầm chừng. Bí quá, chúng tôi vào đảo và được mấy anh bộ đội nhiệt tình bơm nước, giúp đỡ gần 50 kg gạo. Trả tiền thì các anh nhất quyết không lấy và còn bảo: “Thấy người đất liền ra là chúng tôi vui lắm rồi, các anh yên tâm đánh bắt đi nhé”, làm chúng tôi cảm kích vô cùng”.

Dựa Trường Sa vượt bão giông
Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây - Trường Sa - DK1 luôn sẵn sàng giúp ngư dân bám biển - Ảnh: Công Nguyên 

Phát triển hậu cần nghề cá

Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây - Trường Sa - DK1 được thành lập tháng 5.2005 với chức năng cung ứng nhu yếu phẩm, nhiên liệu với giá bằng ở đất liền cho ngư dân mỗi khi có nhu cầu; cứu nạn, cứu hộ, sửa chữa miễn phí tàu thuyền ngư dân bị hư hỏng trên biển, cung cấp nước ngọt, sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho ngư dân mỗi khi đau ốm bệnh tật... Tại đảo Đá Tây, trung tâm có 2 tàu 06 và 09 làm nhiệm cung cấp hàng và thu mua hải sản di động, đồng thời thực hiện công tác cứu hộ ngư dân gặp nạn trên biển. Khu vực đảo Đá Tây có 3 đầu kéo thường xuyên làm nhiệm vụ dẫn thuyền ngư dân vào neo đậu an toàn. Tại đây có 4 trụ cập tàu chứa dầu với sức chứa 100 m3, bảo đảm cung ứng cho ngư dân khi cần thiết.

Trong năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây tiếp nhận 1.743 lượt thuyền ngư dân vào bán cá và mua nhu yếu phẩm. Trong đó, cấp nước ngọt 1.379 m3,  490.000 lít dầu, cung cấp 26 tấn lương thực, thực phẩm và 22 lượt sửa chữa tàu cho ngư dân. Ông Nguyễn Thế Kim, thuyền trưởng tàu đánh cá tại Quảng Nam, cho biết: “Vào những mùa biển lặng, để tiết kiệm chi phí, thuyền tôi và một số thuyền cùng quê vào đây bán cá, bơm dầu và mua thêm thực phẩm tiếp tục đánh cá. Nhờ có trung tâm hậu cần này mà ngư dân bớt đi khoản chi phí ra vào đất liền, để bám biển dài ngày”.

Đưa vào hoạt động tháng 3.2009, âu tàu tại đảo Song Tử Tây có diện tích rộng gần 4 ha, độ sâu 8 - 10 m, có sức chứa 100 chiếc thuyền công suất lớn của ngư dân. u tàu là địa điểm của nhiều ngư dân tìm tránh gió bão, tại đây còn cung ứng nước ngọt, xăng dầu cho thuyền bè có nhu cầu. Ngoài ra, tại âu tàu đảo Song Tử Tây còn thường xuyên cứu hộ các tàu ngư dân gặp nạn trôi dạt trên biển, cấp cứu kịp thời nhiều ca ngư dân bị thương nguy kịch.

Đảo trưởng đảo Nam Yết, trung tá Bùi Văn Chiến, cho biết: “Trong năm 2011 và 4 tháng đầu năm 4.2012, đảo Nam Yết đã khám, phát thuốc cho 238 ngư dân, điều trị dứt điểm 26 trường hợp ngư dân vào đảo chữa trị. Phẫu thuật và điều trị kịp thời cho 1 ca ngư dân viêm ruột thừa, 1 ca chấn thương vùng bụng, vỡ lá lách, 1 ca dập bàn chân trái, và 1 ca gãy đùi phải, 3 ca giảm áp do lặn sâu... Tại đảo Trường Sa, năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012 đã khám, cấp thuốc và cứu chữa 177 trường hợp ngư dân ra đánh bắt khu vực gần đảo...”. “Chúng tôi được dân thương như máu thịt nên luôn tự nhủ với mình phải cố gắng để xứng đáng với tình cảm đó”, trung tá Đinh Trọng Thắm, Đảo trưởng đảo Sinh Tồn, tâm niệm.

Phương tiện, vật chất đang được đầu tư phát triển ngày một hoàn thiện hơn, tình quân dân luôn được nuôi dưỡng ngày càng bền chặt. Đó là những viên gạch góp phần xây đắp nên một điểm tựa vững mạnh của ngư dân giữa biển khơi: điểm tựa Trường Sa.

Công Nguyên

>> Thanh Niên mở chuyên mục Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam
>> Hành trình doanh nhân ra biển, sinh viên ra đảo
>> Cùng ngư dân trẻ đánh cá giữa Trường Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.