Đợt rồi có việc phải về Ba Đồn (Quảng Bình), đi từ đầu làng đến cuối ngõ đều nghe người ta kháo nhau về chuyện của ông L. Kẻ mỉa mai, người cảm thông nhưng chuyện đời của ông L. đang là vấn đề rất “thời sự” của địa phương...
Ông L. là một người bình thường như hết thảy người khác ở cái thị trấn nhộn nhịp cạnh dòng sông Gianh này. Ông có một gia đình êm ấm với đầy đủ vợ con và mở một quán cháo, bánh canh sát bên một cây cầu nhỏ. Cuộc sống yên bình ấy cứ thế trôi qua rồi phút chốc ông đã trở thành “người nổi tiếng”, đến nỗi trong bán kính chừng 50 km đổ lại nhắc đến tên ông không ai không biết...
|
Chuyện là trong một đêm khuya thanh vắng, khi đang cuộn mình trong chăn ấm thì ông L. nghe văng vẳng tiếng trẻ con khóc ré lẫn trong tiếng gió thốc từng cơn. Ông choàng tỉnh rồi lục đục gọi vợ con, chong đèn đốt đuốc ra xem thì thấy một đứa trẻ đỏ hỏn đã bị một người vô tâm nào đó để lại nơi chân cầu. Thấy sinh linh bé nhỏ đang tím tái vì lạnh, khóc ré đòi sữa, ông L. bảo vợ bồng vào nhà, cho uống sữa rồi ru ngủ. Sáng hôm sau, qua một đêm suy nghĩ trằn trọc, ông quyết định giữ đứa nhỏ lại để nuôi. Dẫu cảnh nhà còn lắm khốn khó nhưng vì chữ đức vợ ông cũng đồng ý. Họ đặt cho đứa bé cái tên... Nhặt.
Nhặt đã cùng lớn lên trong sự yêu thương của cả gia đình, chẳng bao giờ bị phân biệt đối xử với các con ruột của ông L. nên ai cũng tấm tắc khen vợ chồng ông là người có tâm Bồ tát. Hễ có người hỏi đến, khen ngợi, ông L. thường im lặng không nói gì mà chỉ nở một nụ cười mãn nguyện. Càng thế, người dân càng “thần tượng” ông hơn.
Rồi một ngày đầu năm 2012, sau bao ngày quăng quật làm lụng để kiếm miếng cơm nuôi vợ con, ông L. ngã bệnh. Biết mình không qua khỏi, ông gọi cả gia đình đến bên giường bệnh để nói ra một điều bí mật. Nhặt chính là con ruột của ông!
Thời trẻ, ông đã có lần quan hệ ngoài vợ chồng với một phụ nữ trẻ và cô ta đã lỡ có bầu. Xác định hai người không thể đến với nhau, sau nhiều ngày tự vấn lương tâm, ông L. bàn bạc với người phụ nữ trẻ để ra hạ sách: đêm đó, giờ đó, đứa trẻ nơi chân cầu, tiếng khóc đó, ngọn đuốc đó... Sự việc xong xuôi, người phụ nữ trẻ cũng trốn biệt vào nam không lời từ giã.
Ông L. đã giấu kín đến phút cuối cùng, khi Nhặt đã là một thanh niên hai mươi mấy tuổi đầu cao to lừng lững. Dẫu choáng váng vì lời “thú tội” của người chồng chất phác bao năm đầu gối tay ấp, nhưng ngay cả sau khi ông L. lìa đời, vợ con ông cũng không giận, không trút nỗi bực dọc lên Nhặt bởi yêu thương nó cả mấy chục năm rồi lẽ nào đổ đi như hắt bát nước...
Có nhiều người khi biết chuyện đã hiểu, thông cảm cho ông, bởi ai dám chắc nếu ông L. khai thật từ đầu, Nhặt sẽ có được một gia đình để bảo bọc như hôm nay và liệu cái mái ấm nhỏ nhoi khi ấy của ông L. sẽ không đổ sụp tan tành?
Phải chăng trong chuyện vợ chồng, không phải lời nói dối nào cũng là tội ác?
N.P
Bình luận (0)