Ô nhiễm làm người ta béo

20/03/2012 03:22 GMT+7

Đó là giả thuyết táo bạo của các chuyên gia Hà Lan, theo đó con người đang mập lên vì hít quá nhiều CO2 trong không khí.

Đó là giả thuyết táo bạo của các chuyên gia Hà Lan, theo đó con người đang mập lên vì hít quá nhiều CO2 trong không khí.

Thời hiện đại, nhìn xung quanh thấy nhiều người than thở về chuyện tại sao mình béo quá? Bên cạnh lối sống đang thay đổi theo kiểu ăn nhiều nhưng ít vận động, các chuyên gia Hà Lan đang công tác tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho rằng đã tìm ra thủ phạm giấu mặt cho tình trạng dân số béo phì đang tăng nhanh trên toàn thế giới: không khí ô nhiễm.

Nội dung giả thuyết mới, đăng trên chuyên san Nutrition and Diabetes, có nội dung như sau: lượng CO2 ngày càng tăng cao trong không khí, khiến máu trong cơ thể người bị a xít hóa (do giảm độ pH). Khi điều này xảy ra, các tế bào não gọi là orexin neuron, đảm nhiệm vai trò điều tiết sự ngon miệng và rất nhạy cảm với độ a xít trong máu, tăng cường hoạt động khiến con người ăn nhiều hơn. Giả thuyết này cũng giải thích tại sao không chỉ có con người mà nhiều động vật cũng đang trải qua tình trạng tăng cân gần như đồng loạt trong hơn nửa thế kỷ qua. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Alabama (Mỹ) cho thấy 8 loài động vật, trong đó có khỉ, tinh tinh trong phòng thí nghiệm, thú cưng như chó, mèo… trọng lượng tăng vọt trong những năm qua, dù khẩu phần và chế độ ăn không thay đổi.

 
Duy trì thói quen tập thể thao để cơ thể gọn gàng và tinh thần minh mẫn - Ảnh: Decisive Mag

Tất nhiên, cách đặt vấn đề lạ lùng trên đã vấp phải cái nhìn nghi ngại từ giới chuyên gia. “Dữ liệu không chứng minh cho một giả thuyết như vậy”, trợ lý giáo sư Devanjan Sikder của Viện Nghiên cứu y khoa Sanford-Burnham ở Orlando nói, nhất là khi giới y bác sĩ chưa ghi nhận được sự thay đổi lớn nào trong độ pH ở máu người. Cơ thể cần duy trì một lượng pH từ 7,35 - 7,45 pH để cung cấp một lượng đúng ô xy đến các tế bào. Và độ pH trong máu dù có giảm nhưng rất ít, từ 7,4 xuống 7,38, không đủ gây tác động mạnh mẽ như nhóm các chuyên gia Hà Lan đã đề cập, theo tiến sĩ David Katz - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ngăn ngừa dịch bệnh thuộc Đại học Yale. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu Hà Lan lại cho rằng sự thay đổi này vào khoảng 0,1 (chẳng hạn từ 7,4 xuống 7,3).

Tiến sĩ Katz cho rằng toàn bộ giả thuyết trên có thể là một dạng gọi là “ngụy biện sinh học”, vốn chỉ 2 tình trạng xảy ra đồng thời, nhưng lại không liên quan với nhau. Ông Katz ví dụ: một người đưa ra giả thuyết rằng “truy cập internet tốc độ cao có thể chống bệnh lao phổi”, dựa trên thực tế là có nhiều vùng tốc độ truy cập internet nhanh đồng thời có tỷ lệ mắc bệnh lao phổi rất thấp! Tương tự trong trường hợp này, cả lượng CO2  và tình trạng béo phì đang tăng lên trên toàn thế giới, nhưng không có nghĩa là chúng có liên quan với nhau. Bên cạnh đó, trợ lý giáo sư Sikder cũng chỉ ra rằng sự gia tăng hoạt động của các orexin neuron không thể dẫn đến béo phì, vì chúng vừa kích thích sự thèm ăn nhưng cũng đồng thời ép cơ thể đốt cháy nhiều calorie hơn.

Nói tóm lại, giả thuyết của các chuyên gia Hà Lan cũng như những tranh luận phản biện cho thấy “dịch” béo phì là một vấn đề phức tạp và do nhiều yếu tố góp phần. Để giữ được thể xác tráng kiện và tinh thần khỏe mạnh, nên có lối sống lành mạnh như ăn uống vừa đủ, đúng chất và thường xuyên tập thể thao.

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.