Làng cá lăng nha đuôi đỏ

27/05/2009 21:51 GMT+7

Sau một thời bị lấn át bởi cá tra, cá ba sa, nay cá lăng nha đuôi đỏ đã chứng tỏ được giá trị kinh tế của loài cá đặc sản được xếp bậc nhất trong họ cá da trơn trên dòng Mê Kông.

Cá hiếm

Sau nhiều lần thất bại lóc bông và cá ba sa, ông Nguyễn Văn Vàng (ngụ ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, An Giang, ĐT 01255589379) quyết tâm tìm giống cá nuôi mới.

Gắn bó cả đời với sông nước nên ông Vàng biết rõ trong họ cá da trơn không con cá nào có giá trị kinh tế cao như cá lăng nha đuôi đỏ. Vài chục năm trước, cá lăng đuôi đỏ nhan nhản trên sông Tiền, sông Hậu, có những con nặng từ 3-10 kg. Thịt cá không mỡ nên làm được nhiều món ăn ngon so với các loài cá sông khác.

Thế rồi theo thời gian, cá lăng nha hiếm dần. Ở các chợ trong vùng hiếm khi có cá lăng nha bán. “Hồi trước ai bị ho mà bắt được cá lăng nha là mừng lắm, vì mật cá phơi khô uống vào là dứt ho ngay. Tụi tôi ai cũng biết đó là cá ngon, muốn mua thả nuôi bè như cá hú, cá vồ nhưng hổng biết kiếm cá giống ở đâu, đành chịu”, ông Vàng nhớ lại. 

Nhưng 3 năm trước, trong một dịp đi thăm bà con ở huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandal (Campuchia), ông Vàng hết sức bất ngờ khi thấy trong nhiều lồng bè, cá lăng nha với cái đuôi đỏ đặc trưng thi nhau nổi lên đớp mồi. Thế là ông tức tốc quay về gom tiền mua 6.000 con cá giống.

“Thời gian đầu, do thức ăn không đảm bảo và nguồn nước không tốt nên cá hay bệnh. Khắc phục được các yếu tố đó thì cá lăng nha rất dễ nuôi”, ông Vàng nói. Và đúng như vậy, chỉ sau hơn 1 năm thả nuôi, ông Vàng thu hoạch trên 4,5 tấn cá, bán với giá 45.000đ/kg. Trừ hết chi phí còn lời được 40 triệu đồng.

Được đà, ông mua tiếp 13.000 con cá giống. Lần này nhờ đã có kinh nghiệm nên lượng cá nuôi chết không đáng kể. Điều làm ông “vững bụng” là giá cá hiện nay rất cao. Ông ước tính cá loại 1 (con trên 2,3 kg) giá hơn 60.000 đ/kg và cá loại 2 ( trên 1 kg) giá cũng gần 60.000đ/kg. “Lần này trừ chi phí xong cầm chắc lời trên 200 triệu”, ông Vàng cười khoe.

Làng cá đặc sản

Thành công của ông Vàng đã tạo tiếng vang khiến các hộ nuôi cá chuyển bè khu vực lân cận sang nuôi cá lăng nha.

Theo thống kê của Hội Nông dân huyện An Phú, hiện đã có 30 hộ nuôi cá lăng nha bè với số lượng hơn 100 tấn cá thịt. Ông Huỳnh Văn Tốt có 2 bè cá lăng với hơn 9 tấn cá thịt, nói: “Cá lăng nha ăn mồi là cá biển, cá linh tạp, cua ốc nên cũng không tốn kém bao nhiêu. Công chăm sóc cũng nhẹ nhàng so với các loài cá nuôi bè khác. Tôi tính rồi, 2 bè cá đang nuôi có thể lời không dưới 170 triệu đồng”.

Điều các hộ nuôi băn khoăn là con giống cá lăng nha phải qua Campuchia mua nên rủi ro khá cao. Thêm điều nữa là cá lăng nha tăng trọng rất chậm. Theo anh Tốt việc này có thể do người nuôi chưa tìm đúng thức ăn giúp cá lăng nha ăn mau phát triển.

Tuy nhiên, như Thanh Niên đã thông tin, hiện nay thạc sĩ Lê Thị Bình (khoa Thủy sản trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) đã nghiên cứu thành công sinh sản cá lăng nha nhân tạo. Tỉnh An Giang đã đặt hàng với thạc sĩ Bình, kỹ thuật sinh sản cá lăng nha nhân tạo đã được chuyển giao cho An Giang. Như vậy người dân An Giang và các tỉnh khác có thể yên tâm tìm mua cá giống trong nước.

Thêm một tin vui nữa: chồng của thạc sĩ Bình là thạc sĩ Ngô Văn Ngọc (cùng khoa Thủy sản trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) cũng đã tìm ra cách giúp cá lăng nha tăng trọng nhanh... Những kết quả nghiên cứu này chắc chắn sẽ giúp nghề nuôi cá lăng nha đuôi đỏ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.