Ô nhiễm trầm trọng
Từ năm 2007, TP.Biên Hòa ban hành lộ trình ngưng chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nội ô thành phố. Theo đó, đến cuối năm 2015, hoạt động chăn nuôi sẽ chấm dứt. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục chăn nuôi có thể về mở trang trại tại khu chăn nuôi tập trung ở các huyện như Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, đến nay TP.Biên Hòa vẫn chưa xử lý dứt điểm được tình trạng trên. Theo thông kế của TP.Biên Hòa, hiện thành phố vẫn còn hàng trăm hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng gần 15.000 con. Trong số này tập trung nhiều nhất là ở các phường Trảng Dài, Long Bình, Tân Phong.
Tại 3 phường nói trên, do còn nhiều trại heo đang hoạt động nên tác động không nhỏ đến môi trường. Theo những người dân nơi đây, hầu như lượng nước thải phát sinh trong quá trình nuôi đều xả thẳng ra các con suối, khiến không khí ở những nơi này bị ô nhiễm trầm trọng.
Chị Ngô Thị Châu (ngụ KP.3, P.Long Bình) bức xúc cho biết: “Trên đường từ nhà tôi đến nơi làm việc phải đi qua con suối Linh. Nhưng con suối này bị những hộ chăn nuôi heo xả nước thải nhiều quá khiến nguồn nước bị nhuộm màu đen, kèm theo đó là mùi hôi thối nồng nặc. Mỗi lần chạy ngang qua tôi đều không dám thở và cố phóng xe thật nhanh”.
Chế tài chưa đủ sức răn đe
Lý giải về tình trạng chậm trễ trên, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Lại Thế Thông, cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến lộ trình ngưng chăn nuôi heo chưa giải quyết triệt để. Nhiều hộ dân bất hợp tác và gây khó dễ khi đoàn kiểm tra đến làm việc, đồng thời vẫn tăng đàn, tái sản xuất. Phần lớn người chăn nuôi đều lớn tuổi, khó chuyển đổi nghề nghiệp khi ngưng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các biện pháp chế tài chỉ dừng lại ở mức vận động, tuyên truyền, kiểm tra nhắc nhở và xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, các vùng chăn nuôi tập trung đều ở các huyện, người dân gặp khó khăn trong việc việc di dời cơ sở của mình ra đó.
Về biện pháp xử lý, vào năm 2014, TP.Biên Hòa đã nghĩ đến phương án cưỡng chế bằng hình thức ngưng cung cấp điện sinh hoạt. Bước đầu, biện pháp này đã mang lại hiệu quả. Hầu hết các hộ chăn nuôi khi bị cắt nguồn điện đều chấp hành việc ngưng chăn nuôi. Tuy nhiên, có một vướng mắc khiến biện pháp này không thể áp dụng rộng rãi vì thiếu cơ sở pháp lý, dễ gây phản ứng trong dân.
Cụ thể đối với các trường hợp chăn nuôi có quy mô diện tích chuồng trại trên 50 m2 phải có bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định. Thế nhưng khi thực hiện lộ trình ngưng chăn nuôi, TP.Biên Hòa không chấp thuận cho các cơ sở chăn nuôi lập cam kết bảo vệ môi trường. Đó là lý do không thể áp dụng quy định xử lý về hành vi “không có bản cam kết bảo vệ môi trường” để tiến tới ngưng cấp điện sinh hoạt. Còn đối với các cơ sở chăn nuôi có diện tích chuồng trại dưới 50 m2, ông Thông cho hay hiện vẫn chưa có quy định nào để xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động chăn nuôi.
Từ thực tế trên, TP.Biên Hòa đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép áp dụng quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để xử lý tất cả các trường hợp chăn nuôi trong thành phố.
Bình luận (0)