Năm 2017 không êm ả với các ông lớn công nghệ Mỹ

31/12/2017 11:25 GMT+7

Trong suốt năm 2017, trên khắp Facebook, Twitter và YouTube lan tràn các tin tức giả mạo, các chiến dịch tuyên truyền gieo rắc sự chia rẽ trong xã hội.

Trước đây, các cuộc tranh luận thường chỉ tập trung vào khả năng gây nghiện đáng sợ của mạng xã hội như Facebook, nhưng trong năm qua thế giới đã phải đối mặt với một khía cạnh khác nguy hiểm hơn: tin tức giả gây chia cách xã hội. Ngành công nghiệp công nghệ Mỹ, đã từng một thời là “con cưng” của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, giờ đây đang phải đối mặt với những lời chỉ trích mạnh mẽ vì không có khả năng bảo đảm an ninh trên các nền tảng khổng lồ.
Tháng trước các nhà quản trị của Facebook, Twitter và Google đã có phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về vai trò của họ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. “Tôi đã rất tự hào về ba công ty công nghệ Mỹ, nhưng quyền lực của các bạn đôi khi làm tôi phải sợ”, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Kennedy nói trong cuộc trao đổi. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dianne Feinstein cũng đồng quan điểm với ông Kennedy. “Các bạn đã tạo ra những nền tảng này và bây giờ chúng đang bị lạm dụng. Các bạn phải là những người nên chủ động làm một điều gì đó, nếu không chúng tôi sẽ hành động”, bà Feinstein nói với ba ông lớn công nghệ Mỹ.
Franklin Foer, tác giả cuốn World Without Mind: The Existential Threat of Big Tech, đã mô tả năm 2017 là giai đoạn “bước ngoặt” để đặt câu hỏi về “sự tập trung quyền lực” đang gia tăng trong ngành công nghệ. Trong nhiều năm, các công ty công nghệ lớn đã tự ví mình là công cụ giúp thế giới thành một nơi tốt hơn. Facebook nói rằng mục tiêu của họ là “đưa thế giới đến gần nhau hơn” và Google tuyên bố sứ mệnh của YouTube là “trao cho mọi người tiếng nói và cho họ thấy cả thế giới”. Tuy nhiên, nhiều lần trong năm nay, những lý tưởng đó đã rơi vào một thực tế đen tối.
Cụ thể, Facebook đã bị cáo buộc là một trong những yếu tố tác động, gián tiếp gây nên phong trào “làm sạch sắc tộc” khiến gần 1 triệu người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar phải tị nạn sang nước láng giềng Bangladesh. WhatsApp của Facebook cũng bị nhắc tới như một trong những nguyên nhân của một cuộc bạo động ở Ấn Độ sau khi tin tức giả mạo lan truyền trên ứng dụng nhắn tin này. Trong khi đó, hàng loạt thương hiệu lớn ngưng quảng cáo trên YouTube vì quảng cáo của họ xuất hiện trong những video có nội dung phản cảm liên quan đến các tổ chức khủng bố và nạn ấu dâm. Twitter cũng có một phen lao đao khi không xóa dòng tweet gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump khi ông viết rằng Triều Tiên đang xem xét đến việc tuyên chiến.
Ngày càng nhiều người nhận thức rằng ngành công nghệ cao cũng có tiềm năng trở thành một lực lượng xấu. Và điều này xảy ra ngay vào lúc Thung lũng Silicon đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về sự tin tưởng giữa nhân viên, khách hàng, văn hóa công ty và luật pháp. Uber, công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới, bị buộc tội trốn tránh các cơ quan quản lý, đồng thời tham gia vào hoạt động gián điệp, đánh cắp thông tin mạng và hối lộ. Google đã trải qua quá trình điều tra kỹ lưỡng về cách công ty trả lương cho nhân viên nữ. Các nhà quản lý và nhà đầu tư trong giới công nghệ vướng phải cáo buộc quấy rối tình dục. Và quan trọng hơn là có không ít người dùng mạng cảm thấy hoang mang sau khi Yahoo thừa nhận đã có 3 tỉ tài khoản bị tấn công.
Cho đến nay, tuy các vấn đề trên vẫn chưa gây tổn thương quá lớn đến giá cổ phiếu của ngành công nghệ cao, nhưng đã có “sự thay đổi đáng kể” về hình ảnh thương hiệu của các ông lớn công nghệ như Facebook và Google trong năm nay. Các nhà lập pháp đã đóng vai trò quan trọng hơn với các công ty công nghệ và ở một mức độ nào đó nhân viên trong công ty đã dần tăng tần suất chỉ trích công khai về bản thân và công việc của họ.
Chamath Palihapitiya, cựu nhân viên Facebook, cùng các nhân viên công nghệ khác trong một cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng trước đã bày tỏ cảm giác tội lỗi vì những thiệt hại từ sản phẩm do họ tạo ra. Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cũng lên tiếng xin lỗi vì đã để Facebook biến thành công cụ “chia rẽ mọi người thay vì đưa mọi người lại với nhau”.
Tại Thung lũng Silicon, giải pháp cho các vấn đề công nghệ thường là sử dụng thêm công nghệ, chẳng hạn như đưa ra các thuật toán tốt hơn và công nghệ trí tuệ nhân tạo mới. Nhưng năm nay, các công ty công nghệ đã bắt đầu dùng nhiều nhân lực để giải quyết cuộc khủng hoảng tín nhiệm mà họ đang gặp phải. Tháng trước, Facebook cho biết sẽ tăng gấp đôi số người làm việc trong bộ phận an ninh lên 20.000 người. Google cũng dự định thuê 10.000 người để “dọn dẹp” lại YouTube.
Song, theo James Cakmak, nhà phân tích của Monness, các bước đi chủ động trên có thể giúp giảm bớt sự kiểm soát pháp lý bổ sung, nhưng có một thực tế là mặt tối của mạng xã hội dường như sẽ không thể biến mất. Các nhà quản lý kỹ thuật cũng thừa nhận như vậy. “Thật là điều quan trọng khi phải thừa nhận rằng kết nối mọi người và trao cho mọi người khả năng chia sẻ thông tin không phải lúc nào cũng là điều tốt”, Adam Mosseri, Phó chủ tịch Facebook News, nói trong một sự kiện báo chí hồi tháng 10.2017.
Khi được hỏi liệu mọi người trên thế giới có hối hận vì đã được trao khả năng tạo ra và chia sẻ thông tin hay không, ông Mosseri đã nói: “Cho đến cùng, tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ hối hận về internet. Nhưng tôi tin sẽ có những cái giá phải trả để kết nối thế giới và trong năm nay chúng tôi bắt đầu nhận ra rõ ràng hơn những chi phí đó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.