Không dùng biện pháp hành chính
Ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư, nhận định nông nghiệp VN hiện nay cả năng suất và giá trị lao động đều rất thấp. Với định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao thì tích tụ ruộng đất là hướng đi tất yếu giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất. “Phải chuyển sang nông nghiệp hàng hóa, chuyển sang công nghệ cao bền vững, phải tích tụ ruộng đất thì nông nghiệp mới phát triển được”, ông Trung nói.
tin liên quan
Tích tụ đất đai quá chậm
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh như thế ở hội nghị Giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp diễn ra hôm 14.4 ở Vĩnh Phúc.
Đồng tình với quan điểm cần đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất, tuy nhiên tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, lại cho rằng không nên thúc đẩy sự tích tụ một cách “nhân tạo” mà để cho người dân trao đổi bình thường theo đúng quy luật tự nhiên của thị trường. “Người nông dân sẽ không chuyển giao nếu không có lợi hơn. Doanh nghiệp (DN) cũng sẽ không mua quyền sử dụng đất từ dân nếu DN không có lợi. Chỉ khi cả hai bên đều có lợi thì giao dịch mới thành công”, ông nói và khuyến cáo: “Tập trung ào ạt, thu hồi đất nông dân giao cho DN sẽ mang lại nhiều rủi ro lớn. Khi đổ vỡ, người dân mất đất, mất không gian sinh tồn thì từ an ninh kinh tế sẽ trở thành an ninh chính trị, bất ổn xã hội.
Vì vậy, cần đảm bảo quyền tự do tài sản của nông dân. Để quyền trao đổi đất diễn ra bình thường theo định hướng của thị trường”.
Luật sư Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Luật - Trường đại học Kinh tế TP.HCM, nêu ý kiến: Khi chủ trương công nghiệp hóa, tất yếu phải thay đổi cơ cấu lao động, sẽ có một lực lượng lao động ở khu vực nông nghiệp dư thừa dịch chuyển sang khu vực công nghiệp. Tích tụ ruộng đất và bỏ hạn điền là chính sách đồng thuận với chính sách công nghiệp hóa của Đảng và Nhà nước. Bỏ hạn điền giúp tổ chức sản xuất quy mô lớn, nông dân sẽ có đủ tiềm lực kinh tế thuê đội ngũ kỹ sư điều tra, khảo sát thị trường nên sẽ không bị động trước các rủi ro của thị trường. Bỏ hạn điền thực chất là hướng tới tích tụ ruộng đất.
Tuy nhiên, luật sư Võ Trí Hảo nhấn mạnh: “Phải bảo đảm tối đa lợi ích của người nông dân khi tiến hành tích tụ ruộng đất. Muốn thế, không dùng quyết định hành chính để thu hồi rồi giao lại đất. Cứ để thuận mua vừa bán, quá trình tích tụ ruộng đất sẽ diễn ra từ từ nhưng bền vững và công bằng”.
Ràng buộc trách nhiệm của DN
Để tránh tình trạng một bộ phận nông dân mất đất, mất ruộng, đời sống khó khăn trong quá trình tích tụ ruộng đất, ông Nguyễn Thế Trung cho rằng nhà nước phải bổ sung, hoàn chỉnh văn bản quy phạm pháp luật về đất đai mà trước hết là gỡ bỏ rào cản về hạn điền. Phải đặt ra quy định, điều kiện chặt chẽ cho các DN tham gia quá trình này. Chẳng hạn chỉ những DN đủ năng lực tài chính, có điều kiện về sản xuất kinh doanh, tổ chức thị trường, phát triển công nghệ cao mới được tích tụ ruộng đất. Bên cạnh đó, phải có chế tài để ràng buộc trách nhiệm của DN đối với nông dân. Chính quyền các cấp phải đi theo chính sách, tăng cường quản lý nhà nước về đất đai.
“Những chính sách hiện giờ chưa đủ để DN yên tâm đầu tư vào nông nghiệp. Cũng cần bổ sung chính sách để nông dân yên tâm chuyển đổi nghề nghiệp”, vị này đề xuất.
Đặt vấn đề liệu người nông dân có thể bán ruộng đất với giá lời sau khi bỏ hạn điền, luật sư Võ Trí Hảo cho biết luật hiện nay không cho phép DN nhận chuyển nhượng quyền sở hữu đất nông nghiệp nên cũng không thể thế chấp quyền sử dụng đất cho ngân hàng. Như vậy, để DN quan tâm đầu tư vào nông nghiệp thì phải bỏ khoanh vùng đối tượng được quyền sở hữu đất là hộ nông dân và cá nhân, mở rộng cho cả DN sở hữu đất nông nghiệp.
|
Bình luận (0)