'Nếu 30.8 không xong chúng tôi trả lại tàu cho Công ty Nam Triệu'

03/08/2017 20:15 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Lê Văn Thãi, chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS, tại buổi làm việc của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định với Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng).

Nhiều chủ tàu vỏ thép ở Bình Định tiếp tục đưa ra các kiến nghị về khắc phục những thiết bị trên tàu lắp không đúng với hợp đồng và yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ sửa tàu.
Ngày 3.8, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng), Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và một số chủ tàu để tiếp tục bàn bạc, thống nhất phương án sửa chữa tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
5 chủ tàu kiến nghị về hộp số
Ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết trong thời gian từ ngày 31.7 đến nay, đơn vị này đã nhận được 5 đơn kiến nghị của các chủ tàu vỏ thép về việc khắc phục các chi tiết trên tàu vỏ thép, trong đó chủ yếu liên quan đến hộp số của máy tàu.
Những chủ tàu có đơn kiến nghị gồm: ông Trần Văn Hạo, Trương Hoài Khánh (cùng ở P.Đống Đa, TP.Quy Nhơn) và các ông Nguyễn Công Quý, Lê Văn Thãi, Đinh Công Khánh (ở xã Cát Khánh, H.Phù Cát).
Ông Trần Văn Phúc chủ trì cuộc họp
Theo đơn kiến nghị, trong hợp đồng đóng 5 tàu cá của các ngư dân này với Công ty Nam Triệu, các bên thống nhất đóng tàu theo mẫu thiết kế đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt, máy chính là máy Mitsubishi có công suất 940 HP, số vòng quay là 1.400 vòng/phút, tỷ số truyền của hộp số là 5.0, các hệ thống đồng bộ, trục chân vịt bằng inox… Tuy nhiên, thực tế trên tàu các chi tiết đi kèm với động cơ không đồng bộ, không phù hợp với hoạt động của máy thủy, hộp số có tỷ số truyền là 3.1, trục lắp không phải bằng inox mà bằng thép…
Theo ông Phúc, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã mời Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và Công ty Nam Triệu, đơn vị tư vấn thiết kế… phân tích lại tỷ số truyền của hộp số trên tàu vỏ thép. Theo kết quả phân tích, đối với tàu lắp máy chính công suất 940 HP thì số vòng quay là 1.400, nếu sử dụng hộp số có hệ số truyền 5.0 thì máy hoạt động không được. Vì vậy, đơn vị tư vấn thiết kế yêu cầu chỉ sử dụng hộp số có hệ số truyền từ 3. đến 4., không thể lắp hộp số 5.0 như yêu cầu của các chủ tàu.
Không dám tin vào đơn vị đóng tàu
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Văn Thãi, chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS, cho rằng lãnh đạo Công ty Nam Triệu không nghiêm túc trong việc thực hiện khắc phục tàu vỏ thép. Sau nhiều cuộc họp, Công ty Nam Triệu chỉ cử những người không đủ thẩm quyền đi dự, rồi về sau chẳng có phản hồi gì. “Nay đã họp gần 20 lần rồi mà tôi thấy tổng giám đốc công ty này có 1 hay 2 lần, kết quả các cuộc họp cũng không thống nhất được gì nhiều. Ông tổng giám đốc Công ty Nam Triệu ở đâu, khi ký hợp đồng đóng tàu thì có mà khi tàu gặp sự cố không thấy đâu?”, ông Thãi bức xúc.
Theo ông Thãi, các chủ tàu đã kiến nghị nhiều lần nhưng đều một nội dung là yêu cầu lắp hộp số có tỷ số truyền 4.0, sự chênh lệch giá tiền giữa hộp số Nhật (như trong giá trị dự toán con tàu) và hộp số Trung Quốc (hộp số được lắp trên tàu) là rất lớn, gần 400 triệu đồng, nên Công ty Nam Triệu phải trả lại cho ngư dân. Khi thay máy chính, hộp số thì các cơ quan chức năng phải kiểm tra rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, phải là hàng mới, phải thay thế lại trục lắp, trục chân vịt cho phù hợp với các thiết bị trên tàu…
Ông Thãi phát biểu
“Ngân hàng thì lại liên tục thông báo nợ quá hạn, mà tàu của chúng tôi vẫn phải nằm bờ chờ nhà máy sửa chữa đến khi nào? Kiểu này thì ngư dân chúng tôi nếu không chết vì đói thì cũng phải vào “nhà đá” nằm. Bởi nợ quá hạn nhiều quá thì buộc ngân hàng phải thu hồi. Theo thông báo của Công ty Nam Triệu thì 30.8 phải hoàn thành việc sửa chữa tàu nhưng giờ đã là ngày 3.8 mà chưa thấy động tĩnh gì, còn họp bàn bàn nữa. Nếu 30.8 này không xong chúng tôi trả lại tàu cho Công ty Nam Triệu để lấy lại tiền trả nợ cho ngân hàng”, ông Thãi dứt khoát.
Ông Nguyễn Công Quý, chủ tàu vỏ thép BĐ 99888 TS, cũng tuyên bố sẽ trả lại tàu vỏ thép nếu Công ty Nam Triệu không hoàn thành việc khắc phục sự cố trước ngày 30.8. Ông Trần Văn Hạo, chủ tàu vỏ thép BĐ 99029 TS, lại cho rằng cảo tời trên tàu dù đóng theo đúng thiết kế nhưng quá yếu không thể hoạt động được.
“Trên các tàu chúng tôi có 2 máy phát điện nhưng hoạt động không ổn định, điện không đủ để hoạt động. Các cơ quan cũng đã lên tàu của tôi để kiểm tra rồi. Nhưng hiện nguồn gốc, xuất xứ của 2 máy phát điện trên tàu của tôi thì Sở NN-PTNT đã nhận được giấy tờ nào chứng minh chưa?”, ông Trương Hoài Khánh, chủ tàu BĐ 99279 TS, hỏi.
Ông Lê Bá Duy, Phó giám đốc BIDV chi nhánh Phú Tài, đưa ra đề nghị Công ty Nam Triệu phải tính toán, trả lại số tiền chênh lệch giữa các thiết bị đã lắp ráp trên tàu so với hồ sơ dự toán cho chủ tàu. “Số tiền này công ty đóng tàu phải chuyển vào ngân hàng để ngân hàng giảm khoản nợ mà ngư dân đã vay để đóng tàu”, ông Duy nói
Ông Trần Văn Phúc; ông Nguyễn Hoàng Tân, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu và các ngư dân đồng ý với kiến nghị của ông Duy.
Cuối buổi họp, ông Trần Văn Phúc thống nhất kiến nghị của các chủ tàu về việc thay hộp số có tỷ số truyền từ 3. lên 4., thay trục chân vịt, thay trục lắp bằng inox… Ông Phúc cũng đề nghị Công ty Nam Triệu làm văn bản thống nhất phương án sửa chữa tàu, làm kế hoạch sửa chữa tàu cụ thể, trong đó thời gian hoàn thành việc sửa tàu phải trong tháng 8.
“Máy phát điện đã thẩm định rồi, phát hiện một số máy có xuất xứ không rõ ràng. Đề nghị Công ty Nam Triệu cung cấp lại giấy tờ xuất xứ máy phát điện ngay trong ngày 4.8, nếu không cung cấp hay cung cấp giấy tờ không rõ ràng thì công ty phải chịu trách nhiệm thay máy phát điện mới”, ông Phúc nói.
Nếu hư hỏng trong thời gian bảo hành phải thay máy mới

Cũng trong sáng 3.8, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã làm việc với Công ty TNHH MTV Nam Triệu và ông Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, H.Phù Mỹ), chủ tàu BĐ 99245 TS. Tàu vỏ thép ông Sơn lắp máy thủy chính hiệu Doosan nhưng đã gặp sự cố hư hỏng khi đi đánh bắt. Tại các cuộc họp trước, ông Sơn liên tục yêu cầu thay máy mới nhưng Công ty TNHH MTV Nam Triệu chỉ đồng ý bảo hành, thay thế các thiết bị hư hỏng.

Ông Sơn (bên phải) tại buổi làm việc

Kết luận vấn đề này, ông Trần Văn Phúc đề nghị ông Sơn và Công ty Nam Triệu đồng ý phương án thay thế thiết bị cho máy chính, thời gian bảo hành 12 tháng. Trong quá trình thay thế thiết bị, các cơ quan chức năng phải kiểm tra chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc và sẽ đưa tàu hoạt động thử trước khi bàn giao cho ông Sơn. Trong quá trình hoạt động, Tổ giám sát của tỉnh Bình Định và Trung tâm Đăng kiểm tàu cá sẽ theo dõi từng chuyến biển. Nếu máy móc bị hư hỏng trong thời gian bảo hành mà không phải lỗi chủ quan của chủ tàu thì Công ty Nam Triệu phải thay thế máy mới cho ông Sơn. 

Ông Sơn và đại diện Công ty Nam Triệu đồng ý với phương án này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.