Năm 2015, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 23.000 ha chè các loại, nhưng đến năm 2017 diện tích chè tại địa phương này đã giảm xuống còn khoảng 21.000 ha. Nguyên nhân là do giá trị kinh tế mà cây chè mang lại không cao bằng một số cây trồng khác như cà phê, bơ, sầu riêng hay các loại rau hoa. Tuy nhiên, chất lượng chè Lâm Đồng đã được ghi nhận gắn liền với thương hiệu “Chè B’Lao”. Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 220 công ty, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến chè đã và đang tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 8.000 lao động tại địa phương.
Trung bình mỗi năm, địa phương này sản xuất, chế biến được khoảng 51.000 tấn chè thành phẩm. Với các sản phẩm chủ đạo như trà ô long, chè ướp hương, chè đen và chè xanh nên chè Lâm Đồng không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi các thị trường tiềm năng ở nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và các nước Trung Đông. Riêng tại TP.Bảo Lộc, “thủ phủ” chè Lâm Đồng, hiện có gần 100 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến chè. Trung bình mỗi năm, Bảo Lộc sản xuất được khoảng 25.000 - 30.000 tấn chè thành phẩm và giá trị xuất khẩu chè đạt khoảng 32 triệu USD/năm.
|
|
Tuy nhiên, theo đánh giá, chất lượng sản phẩm của chè Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng so với nhiều nước trên thế giới là chưa cao làm giảm giá trị xuất khẩu. Nguyên dân là do người trồng chè Lâm Đồng còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, quy trình, công nghệ sản xuất chế biến chè của các công ty, doanh nghiệp còn hạn chế.
Tại hội thảo các ngành chức năng và các nhà khoa học đã nêu lên một số giải pháp quan trọng để ngành chè Lâm Đồng phát triển bền vững như cần quy hoạch lại các vùng chuyên canh chè, chuyển đổi các giống chè chất lượng cao, áp ụng quy trình - công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến chè...
Đặc biệt, sản phẩm chè phải đáp ứng nhu cầu về chất lượng của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Muốn vậy, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần phải có định hướng để người trồng chè áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng và chăm sóc chè theo hướng nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGap và Global Gap (nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn quốc tế). Đồng thời, phải có những chính sách thiết thực để hỗ trợ, giúp đỡ người trồng chè tại địa phương khi có sự thay đổi, biến động về giá cả thị trường. Cùng với đó, giữa doanh nghiệp và người dân phải có sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ chè.
Bình luận (0)