'Sập' sàn chứng khoán TP.HCM

23/01/2018 05:02 GMT+7

Ngày 22.1, máy chủ của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) bị ngưng giao dịch khiến đợt khớp lệnh đóng cửa không thực hiện được.

Đây là sự cố nghiêm trọng kéo dài nhất liên quan đến hoạt động đóng cửa của HOSE từ trước đến nay.
Thị trường không thể đóng cửa
Ghi nhận từ các công ty chứng khoán (CTCK) cho thấy khi bước sang đợt khớp lệnh định kỳ đóng cửa (ATC) lúc 14 giờ 30 ngày 22.1, các lệnh giao dịch không thể được nhập vào hệ thống của HOSE. Đến 18 giờ cùng ngày, sự cố vẫn chưa được khắc phục và thị trường chứng khoán VN vẫn không thể đóng cửa chính thức như thường lệ (theo quy định, phiên ATC sẽ kết thúc lúc 14 giờ 45 và sau đó giao dịch thỏa thuận tiếp tục kéo dài đến 15 giờ hằng ngày là thị trường hoàn toàn đóng cửa).
Trả lời Thanh Niên, ông Lê Hải Trà, Phó chủ tịch phụ trách Hội đồng quản trị HOSE, thừa nhận: Sự cố xảy ra sau khi thị trường kết thúc đợt khớp lệnh liên tục và bước vào đợt khớp lệnh định kỳ đóng cửa. Tình trạng ghi nhận trên máy chủ của HOSE là các CTCK không thể nhập lệnh giao dịch được. HOSE đã liên hệ ngay các chuyên gia để xác định nguyên nhân và xử lý.
“Theo quy chế giao dịch của HOSE, khi xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng đến toàn bộ các CTCK thì Sở có thể ngừng giao dịch toàn thị trường và sử dụng giá đóng cửa cuối cùng trong đợt khớp lệnh liên tục trước đó làm giá tham chiếu cho phiên giao dịch tiếp theo. Cho đến giờ phút này chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc để xác định nguyên nhân và cố gắng đưa hệ thống trở lại giao dịch sớm nhất có thể”, ông Lê Hải Trà cho biết.
Đến 20 giờ hôm qua, sự cố tại HOSE vẫn chưa khắc phục xong. Trước đó, lúc 18 giờ 30, HOSE có thông báo chính thức về sự cố này trên website của Sở. Trong đó nêu rõ, sự cố chỉ ảnh hưởng khiến các lệnh giao dịch khớp lệnh định kỳ không thực hiện được, riêng các giao dịch thỏa thuận không bị ảnh hưởng. Căn cứ quy định đã có, HOSE thông báo tạm ngừng giao dịch từ đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa ngày 22.1. Giá đóng cửa của chứng khoán ngày 22.1.2018 sẽ là giá khớp lệnh cuối cùng trong ngày.
Như vậy trong phiên giao dịch hôm nay, các cổ phiếu có thể lấy giá cuối cùng trong đợt khớp lệnh liên tục trong phiên hôm qua để làm giá tham chiếu. Khi đó, chỉ số VN-Index tăng thêm 25,35 điểm lên 1.087,42 điểm. Khối lượng giao dịch trên HOSE có hơn 286 triệu chứng khoán với tổng trị giá đạt 8.245,2 tỉ đồng. Riêng sàn Hà Nội vẫn giao dịch bình thường và chỉ số HNX-Index đóng cửa phiên hôm qua tăng thêm 1,49 điểm lên 123,88 điểm.
Hệ thống bị quá tải ?
Từ đầu năm mới đến nay, dòng tiền ồ ạt đổ vào chứng khoán khiến giá hàng loạt cổ phiếu gia tăng. Chỉ riêng trên sàn TP.HCM, đã có nhiều phiên giá trị giao dịch tăng lên mức 9.000 - 10.000 tỉ đồng, hơn gấp đôi giá trị giao dịch bình quân của năm trước. Vì vậy, dù HOSE chưa công bố nguyên nhân, nhưng các nhà đầu tư (NĐT) và CTCK đều cho rằng sự cố xảy ra vào hôm qua là do hệ thống quá tải.
Anh Đức, một NĐT chứng khoán tại TP.HCM, cho biết trong phiên hôm qua anh có giao dịch cả mua lẫn bán trong đợt khớp lệnh liên tục. Bước sang đợt khớp lệnh ATC đóng cửa, anh chỉ đặt mua thêm một ít cổ phiếu. “May mắn nhất là sự cố xảy ra khi thị trường đang tăng điểm mạnh nên có thể quyền lợi NĐT chưa bị ảnh hưởng nhiều. Nếu thị trường đang giảm điểm sâu và hàng trăm NĐT muốn bán cổ phiếu để cắt lỗ thì việc không khớp lệnh sẽ khiến họ bị mất tiền”, anh Đức cho biết. Tuy nhiên, nhiều NĐT vẫn bày tỏ lo ngại về việc sự cố sẽ có thể lặp lại trong những phiên sắp tới.
Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển nhận định: Thiệt hại của các NĐT ở đây khó có thể xác định rõ. Bởi giao dịch chứng khoán chưa khớp lệnh thì hàng hóa và tài sản của người mua hay người bán đều còn nguyên. Khác với sự cố nếu ngừng sản xuất trong một thời gian thì có thể xác định được chi phí vận hành, tiêu tốn nguyên vật liệu... Tuy nhiên, bản thân HOSE là đơn vị tổ chức sàn giao dịch có thu phí thì cũng cần thể hiện trách nhiệm với các NĐT. Không thể nói rằng đó là sự cố ngoài ý muốn là xong và để NĐT phải gánh chịu các rủi ro đó.
“Ví dụ nếu là tôi, HOSE có thể nên thông báo miễn phí một phần giao dịch trong phiên này cho các NĐT tham gia mua và bán. Theo thông lệ, việc tổ chức có thu phí giao dịch thì trách nhiệm của đơn vị là phải đảm bảo hoạt động được thông suốt. Đây không phải là sự cố bất khả kháng kiểu thiên tai, chiến tranh mà là sự cố kỹ thuật thì phải được lường trước. Bởi nếu có thiệt hại cho NĐT thì HOSE phải chịu trách nhiệm”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nhận định.
22 công ty chứng khoán đồng ý tăng tỷ lệ ký quỹ lên 60%
Sáng 22.1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 .  
Tại hội nghị, ông Trần Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết cơ quan này đang dự thảo sửa đổi Quyết định số 87/QĐ-UBCK với nội dung nâng tỷ lệ ký quỹ ban đầu từ 50% lên 60%. Hiện tại, thị trường có 51 CTCK tham gia hoạt động cho vay ký quỹ, 33 CTCK gửi phản hồi về dự thảo nói trên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong đó, 22 CTCK chiếm 80% thị phần margin đồng ý nâng tỷ lệ ký quỹ lên 60%.
Theo báo cáo, thị trường chứng khoán VN hiện có quy mô vốn hóa thị trường đạt gần 3,8 triệu tỉ đồng, tương đương 77,2% GDP.
Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.