Sinh viên Việt Nam đổ xô du học, làm việc tại Nhật Bản

26/05/2017 10:30 GMT+7

Trong trận chiến giành sức ảnh hưởng và cơ hội ở Đông Nam Á với Trung Quốc, Nhật Bản đang tiến vào mặt trận mới: giáo dục.

Theo Bloomberg, Nhật Bản đang tích cực tuyển sinh viên từ khu vực Đông Nam Á với kỳ vọng việc này sẽ giúp tăng cường quan hệ kinh tế giữa họ với các quốc gia khu vực trong tương lai. Đông Nam Á là điểm đến đầu tư và cũng là nguồn tài năng quan trọng của Nhật.
Người Việt Nam đặc biệt được chú ý. Theo Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản, số sinh viên, học sinh người Việt học tập tại Nhật, kể cả học ở các trường ngoại ngữ, tăng hơn 12 lần trong sáu năm qua tính đến tháng 5.2016, đạt mốc 54.000 người. Hiện số người Việt chiếm gần 1/4 số sinh viên quốc tế ở Nhật, chỉ xếp sau Trung Quốc vốn chiếm 41%.
Nhật Bản và Trung Quốc đều tìm kiếm vai trò lớn hơn ở Đông Nam Á, nơi kinh tế đang tăng trưởng nhanh và tầng lớp trung lưu mở rộng. Đông Nam Á cũng có nhu cầu cơ sở hạ tầng mạnh. Đầu tư của Nhật Bản vào khu vực tăng lên trong thời gian gần đây vì căng thẳng chính trị cùng nền kinh tế giảm tốc khiến Đại lục hạ sức hút.
Số sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản đang tăng lên cùng cơ hội học tập tại nước này Ảnh: Bloomberg
Nhật Bản đặt ưu tiên tuyển thêm sinh viên từ các nước ASEAN. Đơn cử, học bổng của chính phủ Nhật Bản đã giúp bà Tran Thi Quynh My, một nhân viên tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trang trải chi phí học tập tại Nhật cho hai con.
“Tôi chọn Nhật Bản vì nước này ít đắt đỏ hơn các nước khác nhưng lại có hệ thống giáo dục tốt, kỷ luật học sinh tốt. Sau khi học tại Nhật, con tôi có nhiều cơ hội hơn khi trở lại làm việc tại Việt Nam vì ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật đầu tư vào đất nước chúng tôi”, bà My chia sẻ.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng hơn 6% năm 2016, giúp đất nước trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Nhiều hãng Nhật ngày càng quan tâm đến Đông Nam Á, nơi thu nhập và tiêu dùng có xu hướng đi lên, nhà kinh tế Shinobu Kikuchi tại Viện Nghiên cứu Mizuho cho biết.
Nhật Bản đã là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, sau Trung Quốc, Mỹ. Thương mại song phương tăng đến mức khoảng 30 tỉ USD năm 2016, gần gấp đôi so với mức 16,8 tỉ USD năm 2010, theo số liệu chính thức từ Việt Nam. Hai nước muốn thúc đẩy thương mại song phương lên 60 tỉ USD năm 2020. Nhật cũng là nhà đầu tư lớn thứ nhì với tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 42,5 tỉ USD tính đến tháng 3.
Thương mại Việt Nam - Nhật Bản tăng gần gấp đôi trong những năm gần đây Ảnh: Bloomberg
Trước đây, nhà sản xuất Nhật bước vào Việt Nam vì muốn tìm kiếm lao động giá rẻ, song trong những năm gần đây, thị trường phát triển khiến nhiều hãng khác, chẳng hạn như nhà bán lẻ, cũng rục rịch vào Việt Nam. Doanh nghiệp Nhật tìm kiếm nhân viên có trình độ, người có khả năng thông thạo ngôn ngữ và vượt rào cản về văn hóa doanh nghiệp, theo chuyên gia Keisuke Kobayashi, người giám sát kinh tế Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Nước ngoài Nhật Bản.
Số lượng doanh nghiệp Nhật đi lên là lý do khiến nhiều bậc phụ huynh và các sinh viên xem xét khả năng học tập tại Nhật Bản. Họ kỳ vọng tìm được công việc trả lương cao tại một công ty của quốc gia Đông Á, Giám đốc Itsuro Tsutsumi của Sở Trao đổi sinh viên Jasso cho biết.
“Họ kỳ vọng cao. Gia đình cho họ đi du học như là một cách đầu tư với kỳ vọng sẽ thu được lợi nhuận lớn”, ông Tsutsumi nói. Dù vậy kỳ vọng trên có thể bị lạm dụng. Trong tháng 4, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cảnh báo rằng số lượng sinh viên, thực tập sinh Việt Nam ở Nhật tăng lên cũng khiến nợ leo cao vì họ phải trả khoản tiền lớn cho các hãng môi giới, các bên không trung thực khi tư vấn về cơ hội việc làm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.