Khi màn đêm bắt đầu bao phủ lên cánh đồng cỏ ở cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), thì ông Phan Huy Hoàng (48 tuổi) và ông Phạm Văn Hóa (46 tuổi, em rể ông Hoàng, cùng ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) bắt đầu xuống đồng vợt châu chấu để mưu sinh. Theo ông Hoàng, sở dĩ phải đi vợt từ chập choạng tối đến đêm khuya vì lúc này mát trời, châu chấu ở dưới gốc cỏ leo lên ngọn để ăn lá non và uống nước. Mặt khác, trời tối và giọt sương nặng hạt làm châu chấu không bay được.
Một nghề không như mọi nghề
Bộ đồ nghề vợt châu chấu của hai ông gồm: một cái lồng lưới hình vuông rộng khoảng 1 m2 để đựng châu chấu buộc sau xe máy, một cây vợt có đường kính miệng rộng 1 m, cán dài khoảng 1,2 m và một chiếc đèn pin đeo trên đầu. Trước tiên, ông Hoàng đi một vòng quét ánh đèn qua đám cỏ để kiểm tra ruộng nhiều hay ít châu chấu rồi mới bắt đầu vợt.
Bước xuống đồng cỏ, hai ông liên tục cầm cây vợt quơ qua quơ lại trên lớp cỏ để bắt châu chấu bằng những động tác thuần thục và nhanh nhẹn. Khi vợt được khoảng 15 phút, hai ông quay lại với lồng vợt chứa đầy châu chấu… Ông Hoàng vơ cỏ, rác trong vợt ném ra ngoài rồi nhanh tay nắm đáy vợt đổ châu chấu vào thùng. Đàn châu chấu được đổ vào lồng, búng càng tí tách, phát ra những tiếng lạo xạo nghe thật vui tai. Trong lồng cắm sẵn nhiều cành chổi để châu chấu có nơi bám vào, tránh bị nghẹt và chết.
“Nhìn chiếc vợt đơn giản vậy nhưng đòi hỏi nhiều kỹ thuật thì mới bắt được châu chấu. Khi vợt qua một nhịp thì phải hơi gấp miệng vợt lại cho châu chấu rơi xuống dưới đáy, không bay ra ngoài. Động tác vợt phải nhanh nhưng nhẹ nhàng, làm mạnh thì châu chấu bị liệt và chết rất khó bán”, ông Hoàng chia sẻ.
tin liên quan
'Hái ra tiền' từ những luống rau trồng trên cátNhững luống rau cải, mướp đăng, măng tây… đã phủ xanh cồn cát trắng ven biển Hà Tĩnh, không chỉ chống sa mạc hóa mà còn giúp bà con nông dân có thu nhập cao và ổn định.
Vợt đến khoảng 10 giờ đêm thì hai ông lên bờ thu dọn dụng cụ trở về nhà. Ông Hoàng cho hay khi về nhà phải chong điện ngồi lựa, đóng châu chấu vào bao để sáng sớm giao hàng cho mối. “Chúng tôi chạy xe về đến nhà là 11 giờ đêm. Tiếp đó là ngồi phân loại, lựa châu chấu cho vào bịch để sáng mai giao cho mối. Sở dĩ phải làm sớm vì để lâu trong lồng châu chấu sẽ cắn nhau và chết. Thường thì công việc đóng bịch kết thúc vào lúc 2-3 giờ sáng, khi đó tụi tôi mới được đi ngủ”, ông Hoàng tâm sự.
Mỗi bịch châu chấu đóng gói khoảng 20 - 23 con, được các ông bán cho mối với giá từ 2.000 - 3.000 đồng. Trung bình mỗi đêm, các ông thu nhập từ 500.000 - 700.000 đồng, có hôm trúng đám ruộng nhiều châu chấu mỗi người kiếm được từ 1 - 1,2 triệu đồng. Châu chấu được đầu nậu thu mua rồi bán cho các cửa hàng thức ăn chim cảnh ở khắp nơi. Do nhu cầu châu chấu làm thức ăn cho chim ăn rất lớn nên anh em ông Hoàng bắt tới đâu bán hết tới đó.
Ông Hoàng kể ông theo nghề này tới nay đã hơn chục năm, còn ông Hóa thì mới theo anh rể “cầm vợt” được 2 năm nay. Hằng ngày, bất kể mưa nắng, cứ tầm 15 - 16 giờ là hai ông chạy xe máy, chở theo lồng, vợt đi các cánh đồng khắp các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai để bắt châu chấu. Những cánh đồng cỏ mới ra lá non là nơi tập trung nhiều châu chấu nhất. Do châu chấu sinh sôi nảy nở nhanh, đầu ra ổn định lại ít phải cạnh tranh với người cùng nghề nên thu nhập cũng khá ổn định.
“Trước đây tôi làm đủ thứ nghề, kinh doanh buôn bán có, thợ hồ có nhưng cuối cùng phải bỏ để làm nghề này vì thấy thoải mái, tự do mà thu nhập cũng không đến nỗi tệ”, ông Hóa chia sẻ.
tin liên quan
Đi “săn” bò cạp núiBò cạp đang là món ăn hấp dẫn số một tại một số nhà hàng ở TP.HCM. Những con bò cạp đen nhánh, càng tua tủa, lông xù xì làm nao lòng các vị thực khách. Cái gì hiếm, lạ mới quý nên giá cả của một đĩa bò cạp chiên khoảng chục con làm không ít thực khách phải giật mình: trên 100.000 đồng… Có cầu ắt có cung, và từ đây cũng hình thành một nghề... "săn" bò cạp núi.
Bình luận (0)