Tận thu thuế xăng

19/01/2017 09:48 GMT+7

Đề xuất tăng trần thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 4.000 đồng lên 8.000 đồng/lít đang vấp phải sự phản đối kịch liệt từ dư luận, người dân và giới chuyên gia kinh tế, bởi sự vô lý, bất công, mù mờ và thiếu tính minh bạch.

Đánh giá tác động sơ sài
Dự thảo sửa đổi luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) dự định trình Chính phủ vào tháng 6.2017 và nếu được chấp thuận sẽ tiếp tục đặt lên bàn Quốc hội khóa 14 tại phiên họp khai mạc vào tháng 10.2017.
Nếu đúng theo lộ trình trên thì hàng triệu người dân đang sử dụng mặt hàng thiết yếu này có nguy cơ hứng chịu nhiều đợt tăng giá xăng trong năm 2017 và các năm tiếp theo.
Trong cơ cấu giá thành 1 lít xăng, Hiệp hội Xăng dầu VN đã tính toán riêng thuế, phí chiếm khoảng gần 50%, trong 50% đó thì thuế BVMT đang chiếm khoảng 30%. Điều rất khó hiểu, trong báo cáo đánh giá tác động hàng chục trang, Bộ Tài chính chỉ viết 1 dòng ngắn ngủi về hệ lụy, tiêu cực: “Không có tác động gì tiêu cực”. Đó là một đánh giá rất sơ sài, thiếu căn cứ khoa học, bởi xăng không chỉ là mặt hàng thiết yếu đối với người dân, nó còn là nhiên liệu cho ngành sản xuất, công nghiệp. Mỗi lần xăng tăng, giảm giá khiến giá tàu, xe, lương thực, thực phẩm, than điện... đều rung chuyển theo.
Về số thu, sau 5 năm luật Thuế BVMT có hiệu lực, số thu từ thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm từ 2012 - 2016. Nếu 2012 chỉ hơn 11.000 tỉ đồng thì năm 2016 khoảng hơn 42.000 tỉ đồng. Mức tăng đột biến gấp 4 lần, chủ yếu nhờ thuế BVMT xăng dầu được tăng từ mức 1.000 đồng/lít thời điểm 2012 lên 3.000 đồng/lít trong 2016. Nếu tăng lên 8.000 đồng/lít ngân sách thu từ thuế BVMT xăng sẽ tăng lên gấp 2 - 3 lần. Đó có lẽ là mục tiêu lớn nhất của cơ quan quản lý, vì ngay trong báo cáo tổng kết cũng đã thừa nhận, sắc thuế này góp phần thay đổi đáng kể cơ cấu nguồn thu nội địa. Hiện đã chiếm tới 4,1% tổng thu ngân sách nhà nước.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT), cơ quan soạn thảo dường như mới chỉ nhìn từ phía thu ngân sách nhà nước mà quên đi hệ lụy của nó đối với chính người dân và cả nền kinh tế. Với mức thu nhập bình quân đầu người chỉ 40 - 50 triệu đồng/năm, người dân vừa phải trang trải chi phí ăn ở, sinh hoạt, học hành cho con cái, khám chữa bệnh; vừa phải “gánh” đủ các loại thuế, phí khác từ BOT, cầu phà, phí bảo trì đường bộ… Cuộc sống hằng ngày quay cuồng trong các loại thuế, phí. Chưa kể, tăng thuế kéo theo tăng giá xăng gây ra hiệu ứng té nước theo mưa, nhiều doanh nghiệp tăng chi phí đầu vào tăng giá thành sản phẩm… càng làm đời sống người dân cơ cực, nền kinh tế bị tổn thương nặng hơn.
Thu 10 đồng chi có 3 đồng
Điều đáng nói hơn, việc sử dụng nguồn thu từ thuế BVMT còn rất thiếu công khai, minh bạch, gây bức xúc cho những người đóng thuế. Mục tiêu hàng đầu của sắc thuế này là tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước lấy từ nguồn gây ô nhiễm và gây thiệt hại cho môi trường để bù đắp cho các chi phí xã hội như gây quỹ tài trợ cho các hoạt động để xử lý hoặc đền bù ô nhiễm. Song kể từ năm 2012 đến nay nguồn chi cho các mục tiêu trên rất ít. Cụ thể, năm 2013 chi có 9.700 tỉ đồng, năm 2014 là 9.800 tỉ đồng và năm 2015 hơn 11.400 tỉ đồng. Nếu tính tổng, trong giai đoạn 2013 - 2016 thu từ thuế BVMT đạt gần 100.000 tỉ đồng thì chi cho sự nghiệp BVMT chỉ khoảng hơn 30.000 tỉ đồng. Thu vào 10 đồng mà chi ra có 3 đồng thì chắc chắn không thể thực hiện được mục tiêu BVMT, giảm khí thải, ô nhiễm được.
TS Cao Sĩ Kiêm cho rằng, về nguyên tắc thuế BVMT được dùng để khắc phục các hậu quả về ô nhiễm môi trường do xăng dầu gây ra. Nay tăng lên gấp 3 lần so với mức cũ thì lẽ ra phải được dùng để tăng chi cho BVMT, chứ không phải là để bù đắp cho thuế nhập khẩu giảm. Ở các nước Bắc Âu, Mỹ hay Singapore, gần như 100% nguồn thu từ thuế môi trường sẽ được chi đầu tư lại để BVMT. Ví dụ, phí nước thải sẽ được sử dụng trực tiếp cho việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải thông qua một cơ chế thu, chi minh bạch. Người dân nộp thuế, phí có thể tận mắt thấy được tiền thuế, phí họ đã nộp được sử dụng như thế nào. “Phải làm rõ người dân đóng thuế môi trường để xử lý hậu quả môi trường chứ không phải vì ngân sách mà tăng thuế này”, ông Kiêm đề nghị.
Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên chiều 17.1, ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT, dù tỏ ra thông cảm khi nói rằng có thể đó là do những yêu cầu nghiệp vụ về bí mật ngân sách nhưng cũng phàn nàn cơ quan này không nắm được các khoản chi từ ngân sách cho hoạt động BVMT.
“Nếu có đóng thêm thì tôi nghĩ người dân chỉ cảm thấy thoải mái một khi những khoản tiền này được công khai, bởi suy cho cùng ai cũng muốn có môi trường tốt và đồng tiền mình góp được chi đúng nơi, đúng chỗ”, ông Tùng chia sẻ.
Trả lời PV Thanh Niên, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết vì Quốc hội mới chỉ nắm thông tin qua dư luận, báo chí chứ chưa nhận được báo cáo từ cơ quan chủ trì trình là Chính phủ, nên cần thời gian để nắm bắt, nghiên cứu và có ý kiến chính thức khi nhận được văn bản từ Chính phủ.
Biểu khung thuế BVMT đối với xăng dầu dự kiến:

STT

Hàng hóa

Đơn vị tính

 

Khung mức thuế cũ (đồng/1 đơn vị hàng hoá)

Khung mức thuế mới

(đồng/1 đơn vị
hàng hóa)

1

Xăng,
trừ etanol

lít

1.000 - 4.000

3.000 - 8.000

2

Nhiên liệu bay

lít

1.000 - 3.000

3.000 - 6.000

3

Dầu diezel

lít

500 - 2.000

1.500 - 4.000

4

Dầu hỏa

lít

300 - 2.000

300 - 2.000

5

Dầu mazut

lít

300 - 2.000

900 - 4.000

6

Dầu nhờn

lít

300 - 2.000

900 - 4.000

7

Mỡ nhờn

kg

300 - 2.000

900 - 4.000


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.