Sáng 5.5, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) và 2 công ty đóng tàu gồm: Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định), Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) đã có buổi họp với các ngư dân tỉnh Bình Định để giải quyết việc tàu cá vỏ thép đóng mới trên địa bàn tỉnh Bình Định vừa bàn giao đã bị hư hỏng.
Kiểm tra tàu nào cũng hư hỏng
Tại cuộc họp, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết sau khi nhận được 10 đơn kiến nghị của ngư dân về tình hình hư hỏng và bảo hành sửa chữa của các đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu, đơn vị này đã thành lập đoàn kiểm tra. Theo đó, đoàn kiểm tra gồm: Sở NN-PTNT tỉnh, Công an tỉnh, Bội đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định và chính quyền địa phương kiểm tra, đánh giá tình hình hư hỏng, sửa chữa, bảo hành của 7 tàu cá vỏ thép đóng tại 2 công ty nói trên.
Kết quả, ba tàu vỏ thép đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (tàu BĐ 99018 TS, BĐ 99179 TS, BĐ 99027 TS) đều có vỏ tàu, mặt boong, trang thiết bị trên boong tàu... bị rỉ sét, bong tróc và xuống cấp trầm trọng; két dầu bị hỏng, chảy dầu, đường dẫn nước biển làm mát máy bị hỏng, hỏng máy chính, máy phát điện hoạt động không ổn định, dàn đèn bị nổ...
Bốn tàu cá vỏ thép (BĐ 99279 TS, BĐ 99016 TS, BĐ 99144 TS, BĐ 99086 TS) đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu cũng bị hư hỏng ở một số bộ phận như: vỏ tàu và thân tàu đều bị rỉ sét, máy phát điện bị lỗi, hầm bảo quản không tốt, không giữ được lạnh, máy chính bị hỏng hộp số...
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tàu vỏ thép BĐ 99567 TS (của ông Nguyễn Văn Mạnh, 56 tuổi, ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, H.Phù Mỹ, Bình Định) do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, đang neo đậu tại Cảng cá Đề Gi (H.Phù Cát, Bình Định) có phần vỏ tàu và thân tàu bị rỉ sét, xuống cấp nghiêm trọng. Theo anh Nguyễn Văn Khỏe (36 tuổi, con trai ông Mạnh), khi công ty đang đóng tàu cá BĐ 99567 TS tại Nam Định, anh Khỏe có đến để kiểm tra và phát hiện đơn vị đóng tàu dùng thép của Trung Quốc, không phải thép Hàn Quốc như đã ghi trong hợp đồng. Khi anh Khỏe dùng điện thoại để chụp lại phần thép Trung Quốc thì bị công nhân đóng tàu hăm dọa, đuổi xuống tàu.
Còn ông Đinh Công Khánh (thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, H.Phù Cát), chủ tàu BĐ 99086 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) lại nghi ngờ máy chính của tàu không phải là máy mới nhưng ngư dân không biết làm thế nào để kiểm tra.
Các ngư dân phản ánh, khi tàu bị sự cố, chủ tàu đã làm đơn và liên lạc nhiều lần với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương nhưng cơ sở đóng tàu chỉ cử cán bộ kỹ thuật sửa chữa các hư hỏng nhẹ, chưa thực hiện bảo hành vỏ tàu. Còn Công ty TNHH MTV Nam Triệu có cử cán bộ kỹ thuật đến sửa chữa, bảo hành nhưng rất chậm, nhất là máy chính phải sửa chữa, thay thế nhiều lần nhưng chưa khắc phục được, làm thiệt hại và ảnh hưởng đến sản xuất của chủ tàu.
Sẽ mời đơn vị giám định độc lập
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết sau khi nghe các kiến nghị của ngư dân, các công ty đóng tàu lại cho rằng việc tàu cá bị hư hỏng là do ngư dân bảo dưỡng, bảo trì tàu không phù hợp, một số tàu có thuyền trưởng, thuyền viên, máy trưởng chưa nắm bắt quy trình vận hành tàu. Các công ty đóng tàu cũng cho rằng đơn vị mình hợp đồng mua máy tàu tại các đơn vị có uy tín, khi có sự cố họ lại giải quyết kịp thời... Trung tâm Đăng kiểm tàu cá cũng cho rằng công ty đóng tàu đúng theo thiết kế, ngư lưới cụ đúng theo thiết kế, việc kiểm định đúng theo quy định nhà nước.
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định yêu cầu 2 công ty đóng tàu phải giải quyết dứt điểm những kiến nghị, phản ánh của ngư dân. Đồng thời, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cũng đề nghị ngư dân xem kỹ lại các điều khoản trong hợp đồng đóng tàu, nhất là nội dung các quy định bảo hành.
“Kết khúc buổi họp sáng 5.5, các bên đã thống nhất là trong chiều cùng ngày, công ty đóng tàu sẽ làm việc với các ngư dân có tàu vỏ thép do đơn vị mình đóng. Phải thảo luận chi tiết từng phần trong các kiến nghị của ngư dân, cái nào công ty giải quyết được thì có văn bản giải quyết, cái nào không giải quyết được thì cũng phải có văn bản để báo cáo UBND tỉnh Bình Định. Trong cuộc thảo luận này, những nội dung nào mà ngư dân và đơn vị đóng tàu không thống nhất thì chúng tôi phải mời đơn vị thẩm định độc lập để có cơ sở giải quyết”, ông Hổ nói.
tin liên quan
Khốn khổ vì tàu cá vỏ thép liên tục hỏngHàng chục tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 vừa được bàn giao cho ngư dân miền Trung trong năm 2016 liên tục bị hư hỏng, phải nằm bờ để sửa chữa khiến chủ tàu bị thua lỗ, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Bình luận (0)