Theo CNN, chỉ trong 24 giờ qua, Washington đã đánh mạnh vào các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, đổi lại Bắc Kinh tuyên bố sẽ áp thuế lên mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Mỹ và Tổng thống Donald Trump cũng đã đăng những dòng trạng thái giận dữ mới trên Twitter.
“Tôi rất lưỡng lự khi gọi nó là một cuộc chiến tranh thương mại… Ở thời điểm hiện tại nó giống như một trận chiến hơn, nó đang leo thang mạnh mẽ”, Ian Mitchell, chuyên gia thương mại tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, nhận xét.
Trung Quốc hôm 17.4 đã đưa ra thông điệp rõ ràng rằng họ sẵn sàng đứng vững trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ ngày càng tăng.
“Nếu Mỹ tiếp tục hành động liều lĩnh, chúng tôi sẽ sẵn sàng cho thấy khả năng đáp trả và chiến đấu để giành chiến thắng, bảo vệ chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, nói.
Cuộc chiến thương mại tiềm năng được khơi dậy kể từ tháng 4.2017 khi ông Trump chỉ đạo Bộ Thương mại Mỹ điều tra xem liệu việc nhập khẩu thép từ Trung Quốc và các nước khác có phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hay không. Không lâu sau đó, đến tháng 3.2018, Mỹ tuyên bố áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.
Phản ứng lại, Bắc Kinh thông báo sẽ đánh thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ với giá trị khoảng 3 tỉ USD. Điều này thúc đẩy chính quyền ông Trump đe dọa sẽ áp đặt thuế mới lên 150 tỉ USD giá trị hàng Trung Quốc.
Dưới đây là tổng hợp những diễn biến mâu thuẫn thương mại mới nhất giữa hai bên.
Trung Quốc đánh thuế lúa miến Mỹ
Trung Quốc hôm 17.4 cho biết họ sẽ đưa ra một khoản thuế nhập khẩu khổng lồ đối với các lô hàng lúa miến của Mỹ, loại nông sản được sử dụng để nuôi gia súc và tạo ra một loại rượu rất phổ biến với người Trung Quốc.
Bắt đầu từ ngày 18.4, nhân viên hải quan Trung Quốc sẽ tính phí thuế nhập cảng khoảng 179% đối với lúa miến Mỹ. Quốc gia tỉ dân là nước nhập khẩu lúa miến lớn nhất của Mỹ, với số lượng nhập khẩu năm ngoái đạt giá trị gần 1 tỉ USD.
Mỹ chặn đường hợp tác của ZTE
Bộ Thương mại Mỹ hôm 17.4 đã cấm các công ty Mỹ mua bán phần cứng, phầm mềm và dịch vụ với ZTE. Lệnh cấm này sẽ kéo dài trong vòng bảy năm.
Giới chức Mỹ từng đe dọa chặn đường kinh doanh của ZTE trên đất Mỹ vào năm 2017 sau khi công ty này vận chuyển trái phép thiết bị tới Iran và Triều Tiên. Theo Bộ Thương mại Mỹ, vì ZTE không tuân thủ án phạt nên cơ quan này buộc phải áp dụng lệnh cấm.
ZTE là một trong những công ty sản xuất thiết bị android lớn nhất tại Đại lục và là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ tư ở Mỹ.
Xung đột tiền tệ
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Trump liên tục cáo buộc Bắc Kinh đã cố tình giữ giá đồng nội tệ thấp để thúc đẩy xuất khẩu. Tháng 5.2017, ông Trump nói rằng tình trạng thao túng này đã dừng lại. Tuy nhiên, trong một bài đăng trên Twitter hôm 16.4, ông Trump cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại một lần nữa “chơi trò phá giá tiền tệ” và điều này “không thể chấp nhận được”.
Song, lời chỉ trích mới nhất của ông Trump mâu thuẫn với một báo cáo gần đây của Bộ Tài chính Mỹ, khi cơ quan này kết luận không có đối tác thương mại nào của Mỹ đang thao túng tiền tệ. Kề từ khi ông Trump nhậm chức, đồng USD đã suy yếu so với các loại tiền tệ khác, bao gồm cả đồng nhân dân tệ.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Tờ Wall Street Journal hôm 16.4 đưa tin, Văn phòng đại diện thương mại của Mỹ (USTR) đang cân nhắc một đề xuất mới chống lại Trung Quốc nhằm đáp trả những hạn chế mà Bắc Kinh đã áp đặt lên các dịch vụ công nghệ của Mỹ.
Trong buổi phỏng vấn với CNN hôm 16.4, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Roberto Azevêdo, cho biết các nhà đàm phán thương mại Trung Quốc hiện không rõ chính quyền ông Trump đang tìm kiếm điều gì.
Theo ông Azevêdo, “có đi có lại” là một khẩu hiệu chính trị có thể hiểu được, nhưng “đối với một nhà thương thuyết, nó không rõ ràng và họ cần thêm chi tiết”.
Bình luận