Theo CNN, mức thuế quan Mỹ có thể tăng cao như ông Trump mong muốn và có thể kích hoạt biện pháp trả đũa từ nhiều nước khác, làm tổn thương các ngành công nghiệp khác của Mỹ.
Thành viên cao cấp Edward Alden của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết: “Đây có thể là quyết định thương mại quan trọng nhất mà chúng ta từng chứng kiến trong nhiều thập niên. Nó vô cùng quan trọng”. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross từng cho hay đội ngũ của ông sẽ công bố kết quả điều tra về hàng thép nhập khẩu vào cuối tháng 6.
Giới chuyên gia thương mại và nhà đầu tư Phố Wall cho rằng thuế suất mới đang đến, vấn đề còn lại chỉ là mức độ và đối tượng mà thuế nhắm vào. Canada, Mexico, Brazil, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản là vài trong số các nhà xuất khẩu thép hàng đầu đến Mỹ. Trung Quốc, nước bị ông Trump chỉ trích vì gian lận giá cả thép, đứng hạng 11 trong số các nước xuất khẩu thép hàng đầu đến Mỹ và được giới chuyên gia cho rằng có thể là mục tiêu.
Câu hỏi quan trọng lúc này là liệu chính quyền ông Trump sẽ áp một mức thuế với thép từ tất cả các nước, hay đặt mức thuế khác nhau cho các nước cụ thể. Một vấn đề nữa là liệu các quốc gia có trả đũa bằng cách áp thuế lên sản phẩm của Mỹ, kể cả các sản phẩm ngoài ngành công nghiệp thép, hay không. Cuộc chiến thương mại có thể khiến dân Mỹ mất công ăn việc làm.
Ngành nông nghiệp Mỹ có thể chịu thiệt hại vì xuất khẩu 1/4 hàng nông sản đến các nước khác. Bob Young, nhà kinh tế tại Liên đoàn Trang trại Mỹ, đơn vị đại diện cho 6 triệu nông dân, cho biết: “Đây là việc lớn, chúng tôi rất lo. Chắc chắn có khả năng các nước khác trả đũa Mỹ”.
Một quan chức thuộc Bộ Thương mại Mỹ thì cho biết giới doanh nghiệp “nên yên tâm rằng Bộ trưởng Ross có cách tiếp cận theo phương pháp và hợp lý khi đưa ra khuyến nghị cho Tổng thống”. Luật năm 1992 cho phép ông Ross lập một ủy ban thương mại Mỹ độc lập và kêu gọi đánh thuế thép. Bằng cách lấy lý do an ninh quốc gia, chính quyền ông Trump có thể xác định độ cao và độ rộng của thuế.
Chính quyền Mỹ cho rằng nước này quá phụ thuộc vào thép nước ngoài khi sản xuất trang thiết bị quân sự và xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu, đường. Nếu các quốc gia sản xuất thép quay lưng với Mỹ, nước này sẽ không thể sản xuất thêm xe tăng và những trang thiết bị khác để tự vệ.
Ô tô là một trong những ngành công nghiệp mua nhiều thép nước ngoài nhất. Ngành này phản đối việc tăng thuế thép. Hội đồng Chính sách Ô tô, cơ quan vận động hành lang cho GM và Ford, cảnh báo hồi tháng 5 rằng áp thuế cao sẽ khiến “việc làm trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ biến mất đi”.
Dù vậy, giới lãnh đạo ngành thép ủng hộ việc Tổng thống Mỹ áp thuế lên thép nhập khẩu. Barbara Smith, chủ tịch hãng sản xuất thép ở Texas Commercial Metals Company, cho biết hãng đã đóng cửa 30 địa điểm từ năm 2008 và sa thải 4.000 công nhân vì cạnh tranh nước ngoài. Hiện công ty có khoảng 8.400 nhân viên.
Cạnh tranh từ nước ngoài gia tăng và mức giá thép Mỹ vốn cao là hai lý do khiến việc làm ngành này của Mỹ sụt giảm. Hiện ngành thép có 385.000 lao động, giảm từ mức 624.000 lao động năm 2000. Đây là những lao động mà ông Trump cam kết sẽ bảo vệ.
tin liên quan
Mỹ đòi kiện thép VN vì nghi tiếp tay Trung Quốc né thuếNgày 3.10, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) thông báo cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã nhận được đơn của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đòi kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cán nguội từ VN.
Bình luận (0)