Trung Quốc đang chơi một trận đấu dài chống lại Mỹ

24/05/2018 11:43 GMT+7

Trung Quốc biết họ đang làm gì trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Donald Trump về thương mại.

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã thể hiện thái độ sẵn lòng nhượng bộ. Họ giảm thuế nhập khẩu ô tô, mở cửa thị trường tài chính cho các nhà cho vay nước ngoài và sẽ bắt đầu cho phép các nhà sản xuất ô tô Mỹ chế tạo xe tại Đại lục mà không cần phải có đối tác kinh doanh địa phương.
Nhưng có một điều cũng đáng chú ý như những thay đổi nêu trên, đó là Trung Quốc đang đứng vững về những vấn đề lớn. Nước này đi trước trong kế hoạch thống trị công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, Trung Quốc cũng đang bơm hàng trăm tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á, châu Phi và châu Âu, nhằm tạo thêm nhiều thiện chí và tầm ảnh hưởng địa chính trị.
Trong khi đó, ông Trump lại chỉ tập trung vào tình trạng thâm hụt thương mại. Nói theo các nhà kinh tế thì đây là định hướng tập trung không đúng chỗ. Trung Quốc sẽ tiếp tục là nhà sản xuất khổng lồ trên toàn cầu, còn Mỹ lại bị phụ thuộc vào chi tiêu của người tiêu dùng.
Để thay đổi sự mất cân bằng thương mại một cách có ý nghĩa cần phải có những bảo đảm dài hạn, chứ không chỉ là lời hứa tăng nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp và năng lượng của Mỹ như Trung Quốc đã nói hồi cuối tuần qua.
“Đó là cách Trung Quốc làm hài lòng Mỹ”, Phil Levy, một chuyên gia cấp cao về kinh tế toàn cầu tại Chicago Council on Global Affairs, nhận xét.
Hôm 22.5, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các loại xe chở khách từ 25% xuống còn 15% kể từ ngày 1.7.2018. Nghe qua thì đây có vẻ là một động thái cho phép Mỹ cảm thấy chiến thắng, vì hồi tháng trước ông Trump đã chỉ trích thuế nhập khẩu ô tô của quốc gia châu Á, nói rằng nó cao hơn rất nhiều so với mức thuế nhập khẩu ô tô 2,5% do phía Mỹ đưa ra.
Tuy nhiên, bước đi này là cách Bắc Kinh cho thấy họ sẵn sàng tự do hóa nền kinh tế của mình và việc nới lỏng thuế nhập khẩu không phải là hành động duy nhất. Chính phủ Trung Quốc cũng hứa sẽ loại bỏ hạn chế đối với các hãng ô tô nước ngoài muốn sản xuất xe ở Đại lục. Trước đây, những công ty như General Motors (GM) và Volkswagen phải liên doanh với đối tác địa phương vốn được quyền chi phối phần lớn cổ phần. Dự kiến quy tắc này sẽ được dỡ bỏ vào năm 2022. Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tiến hành tạo điều kiện cho các nhà cho vay nước ngoài tiếp cận với thị trường ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và quản lý tài sản của Trung Quốc, với những thay đổi có thể được áp dụng vào cuối tháng 6.2018.
Theo ông Levy, những thay đổi này mang lại lợi ích cho Trung Quốc trên cả hai mặt trận. Họ tạm thời vừa xoa dịu được Mỹ, mặt khác vừa làm cho thế giới thấy như họ đang nỗ lực để trở thành “cầu thủ” tích cực trong đội thương mại toàn cầu. Không những thế, quốc gia châu Á vẫn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thúc đẩy lĩnh vực công nghệ cao, từ xe điện đến công nghệ 5G.
“Mỹ sẽ không thay đổi cách tiếp cận của Trung Quốc đối với chính sách công nghệ từ bất kỳ hành động đơn phương nào”, Samm Sacks, thành viên cao cấp của Chương trình Chính sách Công nghệ tại Center for Strategic and International Studies, nói.
Bắc Kinh cũng đang mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu bằng cách đầu tư vào các cảng, tuyến đường sắt và những dự án phát triển khác thông qua sáng kiến “Vành đai - Con đường”. Tham vọng thống trị toàn cầu của Trung Quốc đang là mối đe dọa lớn cho quyền bá chủ của Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc biết rõ rằng ông Trump vẫn chỉ tập trung cho hai vấn đề lớn, đó là Triều Tiên và thâm hụt thương mại. Tổng thống Mỹ nói ông muốn hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên trong tháng 6.2018 diễn ra, và ông muốn Bắc Kinh tiếp tục đặt áp lực với Bình Nhưỡng. Ngoài ra, thái độ mạnh mẽ của ông Trump về mất cân bằng thương mại đã cho phép Trung Quốc cung cấp cho Mỹ “chiến thắng danh nghĩa” bằng cách cam kết mua thêm hàng hóa. Nhưng đáng chú ý là họ không đưa ra cụ thể con số giá trị hàng hóa sẽ mua. Hiện các chuyên gia vẫn hoài nghi về điều này.
“Số liệu về thâm hụt thương mại Mỹ - Trung được công bố cho đến nay sẽ không giảm đáng kể. Cam kết của Trung Quốc có thể chỉ có khả năng ngăn thâm hụt thương mại tăng thêm”, Nicholas Lardy, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Peterson Institute for International Economics, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.