TS Nguyễn Đình Cung: Đặc khu kinh tế phải khác biệt phần còn lại

20/10/2017 10:04 GMT+7

“Muốn xây dựng đặc khu kinh tế với mô hình một thiên đường mua sắm, nghỉ dưỡng thì đến đó phải rất thoải mái, thuận tiện mà không cần thủ tục, giấy tờ ràng buộc phức tạp nào”, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư nói về sự cần thiết phải có một thể chế linh hoạt tại các đặc khu kinh tế tương lai.

Xây dựng hệ thống thể chế cho đặc khu mang ý nghĩa sống còn
Những chính sách để hình thành 3 đặc khu kinh tế Việt Nam đang là câu chuyện nóng trên nhiều diễn đàn khi thông tin chính thức được Bộ KH-ĐT đưa ra mới đây, so sánh trên 9 nhóm tiêu chí (về đất đai, thuế, phí, chính sách định cư, sở hữu bất động sản…), những ưu đãi được thiết kế đều cao hơn so với các đặc khu trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia… Đây hẳn là một tín hiệu đáng mừng để chủ trương xây dựng đặc khu đã ấp ủ hơn 10 năm nay có thể chính thức triển khai, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Cung: “Thể chế cho 3 đặc khu phải khác biệt so với phần còn lại của đất nước để chúng trở nên vượt trội và có khả năng cạnh tranh quốc tế”
TS Nguyễn Đình Cung: “Thể chế cho 3 đặc khu phải khác biệt so với phần còn lại của đất nước để chúng trở nên vượt trội và có khả năng cạnh tranh quốc tế” Ảnh: N.T
Cả 3 “đặc khu” kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cần phải được xây dựng thành nền kinh tế thị trường tự do, hiện đại và hội nhập. Việc xây dựng hệ thống thể chế cho 3 khu vực này phải có ý nghĩa sống còn thay vì chỉ có những ưu đãi thuần túy về thuế, phí.
Đã coi đặc khu như một nền kinh tế thị trường thì phải làm sao để đặc khu cạnh tranh hơn cả Singapore, Hồng Kông chứ không phải chỉ ưu đãi điểm này điểm khác hơn đôi chút là được. Nguyên lý là cần tạo được ở đặc khu một dòng luân chuyển (flow) như dòng người, dòng hàng, dòng vốn… chạy về đây rồi từ đây mới chuyển dịch đi nơi khác. Mà muốn tạo được dòng chảy như thế thì các rào cản phải được ít nhất, để tạo môi trường thuận lợi nhất, an toàn nhất mà chi phí lại thấp nhất.
Tôi ví dụ, muốn xây dựng đặc khu với mô hình một thiên đường mua sắm, nghỉ dưỡng thì trước hết việc di chuyển đến đó phải rất thoải mái, thuận tiện. Để rồi một buổi sáng nào đó, một người từ nơi khác thức dậy, chợt thích đi mua sắm thì có thể ra sân bay, bay thẳng tới đặc khu và có một ngày vui chơi mà không cần thủ tục, giấy tờ ràng buộc phức tạp nào. Có như thế thì trong một buổi sáng người ta mới có thể tới, mua sắm, hết ngày đã có thể thỏa mãn trở về rồi. Chứ muốn tới chơi lại phải tính chuyện xin visa, làm thủ tục xuất nhập cảnh… thì chắc họ phải suy nghĩ thêm.
Nói vậy nhưng thuế, phí ưu đãi vẫn luôn được xem là chính sách hữu hiệu trong thu hút đầu tư chứ thưa ông?
Thuế đúng là động lực khuyến khích trước hết. Tại đặc khu, có lẽ chỉ cần một đạo luật thuế, thuế thu nhập công ty hoặc cá nhân chẳng hạn. Như mô hình thiên đường thuế nổi tiếng thế giới British Virgin Island chỉ có một loại thuế duy nhất là thuế đăng ký thành lập doanh nghiệp và hằng năm, doanh nghiệp muốn giấy đăng ký tiếp tục có hiệu lực thì trả thêm 100 USD để gia hạn. Chỉ vậy thôi nhưng nếu mỗi năm có 1 triệu công ty được thành lập ở đó thì chỉ với mức thu 100 USD/doanh nghiệp, tính ra nguồn thu đã rất lớn trong khi dân số của cả đặc khu đó cũng mấy chục nghìn người. Như vậy, thu nhập đầu người từ nguồn này đã tới vài nghìn USD/năm rồi.
Chính sách khuyến khích cũng có thể bắt đầu bằng đất đai, tiền tệ. Tại đặc khu, cần thiết có quy định tiêu tiền gì cũng được cả. Việc chuyển tiền vào hay ra, theo đó, cũng phải dễ dàng, như một trạm trung chuyển vậy.
Thực tế, Việt Nam được cho là có nhiều điều kiện “thiên thời, địa lợi” để xây dựng những thiên đường nghỉ dưỡng, vui chơi như ông đề cập ở trên. Chúng ta cũng đã từng thử nghiệm ở những khu vực nhỏ nhưng hiệu quả cũng không được lâu dài. Đâu là vấn đề mà Vân Đồn, Phú Quốc tới đây cần rút kinh nghiệm khi phát triển đặc khu?
Ở đặc khu có cả dự án casino, nhưng theo tôi, casino chỉ là một phần phụ, một yếu tố thêm vào cùng với tất cả các yếu tố khác để làm nên đặc khu. Nếu coi đó là điểm chính yếu rồi tư duy rằng đó là nơi người ta đổ xô đến để chơi và những người đến đó đều rất nhiều tiền, tiền không biết dùng để làm gì thì sai lầm.
Vân Đồn, Phú Quốc ta đều dự định tổ chức thành những khu nghỉ dưỡng quy mô, những thiên đường mua sắm… vậy thì căn bản là hình thành được những “dòng” vận chuyển cho thật nhanh, thật thuận lợi, như Singapore vậy. Nếu muốn 2 khu đảo thành trung tâm tài chính thì lại phải vận dụng mô hình như ở Cayman (vùng lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh - PV), phải thuận tiện tối ưu cho dòng tiền dồn về, hợp thức hóa linh hoạt…
Nên làm tổ cho chim phượng hoàng đến đẻ trứng
Nhiều chính sách đặc thù, hấp dẫn như vậy, ở mặt khác, cũng không ít ý kiến lo ngại, thuận lợi được tạo ra càng lớn thì các hoạt động kiểm soát của nhà nước sẽ càng khó thực hiện, rồi nơi này xây đặc khu thì nơi kia cũng “đòi” phải có đặc khu. Theo ông, mô hình đặc khu sẽ mang lại lợi ích gì cho quốc gia?
Ta thử xem một đặc khu cần gì để vận hành. Như Hồng Kông chẳng hạn, mô hình một nhà nước mà hai chế độ là cách thức rất linh hoạt, thể hiện tư duy không chút cứng nhắc, giáo điều nào. Hay như Thâm Quyến - đặc khu công nghệ, nay đã vận hành tới thế hệ thứ 2, thứ 3, không cần duy trì một thứ quản lý, kiểm tra hàng hóa nhiêu khê nào vì đã có công cụ điều tiết của chính thị trường, hiệu quả hơn bất cứ thủ tục, chứng nhận nào. Đó chính là giá trị uy tín của dòng chữ “made in Shenzhen”.
Còn trên đất liền, sẽ có 2 cái được từ đặc khu. Đầu tiên là “được một cái mới” mà nếu làm được, đây là “cái được vô giá”. Thứ hai, nhà nước sẽ tạo được dòng chảy hàng hóa của mình. Nếu trước nay xuất nhập khẩu đang có những rào cản thì hoạt động linh hoạt của đặc khu sẽ góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của mình ra ngoài.
Vừa qua, lãnh đạo Chính phủ đã có những chuyến đi thị sát, làm việc tại 3 khu vực dự kiến xây dựng đặc khu kinh tế. Một vấn đề khó được chỉ ra chính là mô hình tổ chức, chính quyền đặc khu hiện vẫn còn “bóng dáng” của sự ôm đồm, ông nghĩ sao về điều này?
Đúng là nếu vẫn còn loay hoay ở chỗ các cơ quan HĐND với UBND… cái nào giữ, cái nào bỏ thì rất khó. Nói về các yếu tố quản trị, các nước thường thiết kế mô hình bộ máy với chức năng tối thiểu của nhà nước ở các đặc khu.
Thể chế cho 3 đặc khu phải khác biệt so với phần còn lại của đất nước để chúng trở nên vượt trội và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Theo đó, giao thương từ các đặc khu với phần còn lại của nền kinh tế phải tương tự như hai nền kinh tế khác nhau.
Thực chất, nhà nước chỉ cần cử người đại diện tại đặc khu để xem ở đó có vận hành và đạt được mục tiêu đề ra không. Giờ thống kê lại thì có thể thấy những đặc khu thành công bậc nhất thế giới hiện nay chính là của Trung Quốc.
Từ rất nhiều ví dụ sinh động như vậy, cái cần kíp, thiết thực với việc xây dựng mô hình đặc khu kinh tế tại Việt Nam lúc này là gì, thưa ông?
Cái ta cần học không phải là cách thức ưu đãi như thế nào mà nên học cách quản trị để vận dụng thiết kế cho đặc khu của mình cho căn bản. Tư duy, theo tôi, phải tiếp cận theo hướng như vậy, đừng chỉ tính cộng một chút cái này, một chút cái kia vào thì không khác gì làm sẵn một cái lồng cho mình rồi tự chui vào đó.
Những việc này, cũng giống như nhiều chuyên gia đã nói đó, để thu hút được chim phượng hoàng đến làm tổ thì phải thiết kế được một cái tổ tương xứng với phượng hoàng chứ không thể chỉ làm tổ chim cút, chim sẻ…
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.