USD chạm mức thấp nhất trong 3 tháng

03/01/2018 16:08 GMT+7

Đồng USD đã khởi đầu năm mới không mấy suôn sẻ khi chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 9.2017, theo CNN.

Trên thực tế, đồng USD gần như đã mất giá trong suốt năm 2017 mặc dù có những yếu tố tác động tích cực đến đồng tiền này, ví dụ như các đợt cắt giảm thuế và bức tranh kinh tế Mỹ đầy lạc quan. So với các đồng tiền được giao dịch nhiều nhất thế giới, đồng bạc xanh đã giảm gần 10% trong năm ngoái, theo chỉ số đồng USD (ICE U.S Dollar Index), thước đo diễn biến đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Bất ổn chính trị bắt nguồn từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, tăng trưởng toàn cầu mạnh hơn và sự không chắc chắn về các dự luật cải cách thuế đã khiến đồng USD bắt đầu trượt dốc vào năm ngoái. Gần đây, theo các chuyên gia, chính sự kỳ vọng mờ nhạt về tác động của các khoản thuế mới tới nền kinh tế Mỹ, cùng với các yếu tố quốc tế khác đã lại khiến cho đồng USD tiếp tục suy yếu.
“Mọi người dần chấp nhận rằng việc cắt giảm thuế có thể thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn nhưng sẽ không làm thay đổi tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Mỹ”, Marc Chandler, người đứng đầu bộ phận chiến lược tiền tệ toàn cầu tại ngân hàng tư nhân Brown Brothers Harriman, nói.
Luật thuế mới đã giảm đáng kể các khoản thuế doanh nghiệp và hạ mức thuế cho nhiều cá nhân, đặc biệt là giới giàu có ở Mỹ. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành nói rằng họ không có kế hoạch để tuyển dụng thêm hoặc mạnh tay chi tiêu chỉ vì cắt giảm thuế. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng những người giàu có thường có xu hướng tiết kiệm, thay vì tiêu các khoản tiền có thêm từ việc cắt giảm thuế.
Nhiều năm trôi qua sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, Mỹ là một trong những điểm sáng nổi bật nhất của nền kinh tế toàn cầu khi công ăn việc làm vẫn được đảm bảo và tăng trưởng kinh tế nhất quán mặc dù tốc độ có phần chậm chạp. Khi Mỹ ở vai trò động lực chính cho sự phục hồi toàn cầu, đồng USD tăng gần 13% vào năm 2014, 9% vào năm 2015 và 3,5% vào năm 2016. Nhưng giờ đây, giá trị đồng bạc xanh đã bị đẩy xuống khi các đồng tiền khác bắt đầu hồi phục trở lại. Sự tăng trưởng của Trung Quốc đã ổn định. Kinh tế châu Âu đang chứng tỏ sức mạnh. Khu vực Mỹ Latin, đặc biệt là Brazil và Argentina, cũng bật dậy sau khi chạm đáy trong những năm trước. Trong khi vẫn còn phải chờ kết quả báo cáo quý 4/2017, nhưng tăng trưởng toàn cầu năm ngoái được dự đoán là đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2007.
Do tăng trưởng kinh tế toàn cầu diễn biến theo hướng tích cực, các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở Anh và châu Âu, đang tăng tốc để bắt kịp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bằng cách tăng lãi suất. Trong nhiều năm, Fed đã đưa mức lãi suất của Mỹ lên cao trong khi các ngân hàng trung ương khác giữ nguyên mức lãi suất cũ hoặc đẩy về mức âm. Sự khác biệt trong chính sách tiền tệ của các nước đã góp phần nâng giá trị đồng USD. Tuy nhiên, giờ đây chính sách tiền tệ quốc tế đang hội tụ, một dấu hiệu của sự tăng trưởng đồng bộ, đã tác động không nhỏ đến đồng USD.
Các chuyên gia dự đoán đồng USD nhiều khả năng vẫn tiếp tục giảm trong năm nay, mặc dù nền kinh tế Mỹ đang ở trong trạng thái khá tốt. “Khi bạn nhìn từ góc độ rộng hơn về tăng trưởng toàn cầu, lãi suất toàn cầu, bạn có thể thấy đồng USD còn suy yếu hơn nữa”, Ihab Salib, trưởng bộ phận tài sản thu nhập cố định quốc tế tại Federated Investors, nói.
Nếu tầng lớp trung lưu Mỹ quyết định chi tiêu số tiền họ nhận được từ việc cắt giảm thuế, trong trường hợp này hầu như chắc chắn họ sẽ chi tiền để mua các sản phẩm sản xuất bên ngoài Mỹ như iPhone, khiến lượng hàng hóa nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, thì đồng USD sẽ còn trượt dốc dài hơn nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.